Nhiều áp lực cạnh tranh
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện vào khoảng 421 triệu con, trong đó 2,49 triệu con trâu, 5,65 triệu con bò, 27,4 triệu con lợn, 385,5 triệu con gia cầm. Cả nước hiện có 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, trong đó số hộ chăn nuôi lợn khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thuế suất ở mức 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như: Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước. Mặc dù thời gian qua, ngành chăn nuôi đã nỗ lực cải tiến về giống, giảm giá thành sản phẩm, thế nhưng, giá thành sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Ví dụ, giá thành chăn nuôi thịt lợn của các nước là dưới 30.000 đồng/kg, trong khi của Việt Nam là 32.000-35.000 đồng/kg. "Mặc dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Điều này sẽ tạo ra những bất lợi", ông Hoàng Thanh Vân chia sẻ.
Nhận định về những thách thức, khó khăn mà ngành chăn nuôi sẽ phải đối mặt khi Việt Nam tham gia vào CPTPP, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn-IPSARD (Bộ NN&PTNT): Mặc dù hiện các mức thuế suất đối với các sản phẩm chăn nuôi còn khá cao, nhưng giá trị nhập khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam vẫn tăng nhanh trong thời gian qua. Nguyên nhân chính là năng lực sản xuất trong nước không theo kịp với nhu cầu tiêu dùng, chất lượng và giá cả của các sản phẩm trong nước còn kém hơn sản phẩm nhập khẩu. Trong thời gian tới, khi rào cản thuế quan được dỡ bỏ thì các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn ngay tại thị trường trong nước, chẳng hạn đối với các sản phẩm thịt bò và sữa từ Australia và New Zealand; lợn, gà từ Canada.
Đồng quan điểm này, theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng cho rằng, khi mở cửa thị trường theo cam kết của Hiệp định CPTPP, thách thức lớn nhất phải kể đến là lĩnh vực chăn nuôi với các sản phẩm, như: Thịt lợn, thịt bò, sữa.
Con đường nào cho chăn nuôi thời hội nhập?
Để thích ứng với bối cảnh một số nước tham gia CPTPP rất mạnh về chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng: "Việt Nam phải lựa chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, như: Thịt, trứng gia cầm, mật ong. Bởi việc nuôi gia cầm xử lý môi trường dễ, vòng quay ngắn. Cùng với đó, hệ thống giống của chúng ta, đặc biệt là các giống gà bản địa đặc sản: Gà Mông, gà Đông Tảo, gà ri… đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu trứng gia cầm, mật ong ra thị trường thế giới. Riêng sản phẩm thịt gà đã qua xử lý nhiệt, cuối năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản, một thị trường vốn được đánh giá là rất khó tính".
Ông Tống Xuân Chinh cho rằng: Hiệp định CPTPP có một số tác động bất lợi đến ngành chăn nuôi, nhưng không quá nghiêm trọng như một số cảnh báo. Ví dụ, mặt hàng thịt bò là thế mạnh của một số nước trong CPTPP nhưng hiện lượng thịt bò sản xuất trong nước vẫn đáp ứng tới 80% nhu cầu thị trường nội địa. Riêng đối với sản phẩm thịt lợn, chúng ta cần phải có chiến lược lâu dài và bài bản, vì còn liên quan đến vấn đề chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh (bệnh lở mồm long móng, tai xanh). Hiện, việc xây dựng vùng chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh dù đã được quy hoạch song vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cũng đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phân tích thêm rằng, cần xây dựng các chuỗi giá trị hàng Việt Nam khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm giá thành để cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nhập khẩu. Một hướng đi nữa là tập trung phát triển những mặt hàng có phân khúc ít chịu cạnh tranh của sản phẩm nhập khẩu. Ví dụ, trong chăn nuôi, phát triển lợn sữa, gà lông màu, thủy cầm… Ở vùng miền núi có thể phát triển các gia súc ăn cỏ như: Trâu, dê.
Như vậy, để tham gia “sân chơi” CPTPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm nhằm phát triển bền vững, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm giành chiến thắng trên “sân nhà”. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi, chọn tạo giống tốt, xây dựng các chuỗi chăn nuôi theo giá trị, đẩy mạnh việc chế biến, xây dựng quảng bá sản phẩm để vươn ra thị trường quốc tế.
Theo Nguyễn Kiểm (Quân Đội Nhân Dân)