Quan điểm này được ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo chí một ngày sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thành viên ký tại Chile.
- Hiệp định CPTPP vừa được ký kết có những nội dung gì khác so với TPP trước đây, thưa ông?
- CPTPP là hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với nội dung cơ bản kế thừa TPP. Toàn bộ nội dung cam kết mở cửa thị trường, bộ quy tắc về hàng rào phi thuế quan như kiểm dịch động vật, cam kết minh bạch hoá trong mua sắm Chính phủ… được giữ nguyên so với TPP.
Thay đổi lớn nhất của CPTPP là 20 nhóm nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi, trong đó quan trọng nhất là cam kết quan trọng liên quan tới sở hữu trí tuệ. Thay vào đó các nước chủ động triển khai biện pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển. Cũng như với TPP trước đây, các nước sẽ ký một số thư trao đổi về các nội dung thuộc quan tâm riêng của mỗi nước.
- Ông đánh giá thế nào về những lợi ích kinh tế thông qua các con số về tăng trưởng GDP, xuất khẩu… mà Việt Nam có thể đạt được sau khi CPTPP được ký kết?
- Phần lớn các nước tham gia các hiệp định thương mại tự do đều mong muốn tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ các quốc gia. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong số các lĩnh vực thì dệt may, da giày... sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Hiệp định này cũng giúp chúng ta giảm 0,6 triệu người nghèo vào năm 2030.
So với TPP, nội dung mở cửa thị trường được giữ nguyên trong quy định của CPTPP. 100% biểu thuế sẽ được đưa về 0% theo lộ trình cam kết. Với các nước phát triển lộ trình này là 7 năm, và Việt Nam được ưu tiên kéo dài hơn, khoảng 10 năm, để phù hợp với điều kiện phát triển. Với CPTPP, toàn bộ hàng công nghiệp sẽ đưa thuế nhập khẩu hàng Việt Nam về 0%, thậm chí có nước dành cho Việt Nam trên 90% mặt hàng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Nhật Bản.
Hiện hàng xuất khẩu Việt Nam xuất sang các nước CPTPP chịu thuế suất trung bình 1,7%, nếu mức này về 0% thì lợi ích Việt Nam có được từ hiệp định này tương đối rõ dù Mỹ đã rút khỏi TPP.
Chưa kể, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ hiệp định này, theo các tính toán, lợi ích này cao hơn nhiều. Ngân hàng Thế giới cho rằng, lợi ích trực tiếp mà CPTPP đem lại giúp GDP đất nước tăng thêm 1,1% vào năm 2030, còn gián tiếp là 3,6%.
CPTPP cũng mang lại lợi ích trước các rào cản phi thuế quan. Ví dụ với rào cản nhập khẩu động thực vật, thời gian để công nhận sản phẩm đó sẽ nhanh hơn nhiều, trung bình ở nước phát triển chỉ 1-2 năm so với trước là 5 - 7 năm.
- Hiệp định thương mại tự do có nguyên tắc "có đi có lại". Vậy độ mở chính sách Việt Nam sẽ ra sao để ứng xử lại với cam kết mở cửa thị trường với các nước?
- Các nước cùng mở cửa, doanh nghiệp có được cơ hội xuất khẩu nhiều hơn các thị trường các nước thuộc CPTPP thì chúng ta cũng phải đối đầu với cạnh tranh cao hơn.
Hầu hết các ngành nghề sẽ phải chịu cạnh tranh cao hơn trước khi lộ trình thuế dần về 0%, nhưng ngành chăn nuôi (thịt gà, thịt lợn...) là lĩnh vực sẽ chịu thách thức lớn hơn cả. Nói vậy nhưng chúng ta đã có bước chuẩn bị khá lâu cho hội nhập và đã mở cửa thị với nhiều đối tác cạnh tranh trực tiếp như các nước trong khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản... Theo lộ trình cam kết các FTA đã ký với các nước, khu vực này trước đây thì nhiều mặt hàng thuế đã về 0%. Đây cũng là bước để chúng ta tập dượt, không bị sốc khi giảm thuế.
Tuy nhiên cơ cấu kinh tế Việt Nam với các nước CPTPP mang tính bổ sung tương đối cao, tương hỗ nhau hơn là cạnh tranh. Nên dù hiệp định này tạo ra cạnh tranh lớn song cũng không nhiều như một số FTA đã ký trước đây. Thêm nữa, hiệp định thương mại tự do luôn có cơ hội và thách thức, nhiều trường hợp thách thức là rất lớn, nếu vượt qua kết quả thu lượm sẽ nâng lên gấp bội.
- Những bước đi tiếp theo của Việt Nam để CPTPP được thực thi sau lễ ký kết diễn ra tại Chile vừa qua?
- Với hiệp định FTA tiêu chuẩn cao như CPTPP thì phải trình Quốc hội thông qua chính thức, quyết định cuối cùng việc chúng ta tham gia thế nào, lộ trình ra sao. Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương sớm báo cáo Quốc hội phê chuẩn hiệp địn này, trong đó có nội dung quan trọng làm thế nào tận dụng cơ hội do CPTPP đem lại. Dự kiến hiệp định sẽ có hiệu lực trong năm 2019.
- Còn về phía các doanh nghiệp, họ cần chuẩn bị thế nào cho cuộc cạnh tranh sắp tới?
- Khó có câu trả lời cho mẫu số chung doanh nghiệp vì tuỳ lĩnh vực, ngành hàng cụ thể sẽ có bài toán ứng phó khác nhau. Chính các doanh nghiệp, chủ thể chịu tác động trực tiếp sẽ cần biết phản ứng sao cho phù hợp. Đơn cử khi Việt Nam ký FTA với Australia và New Zealand, nhiều lo ngại ngành sữa trong nước sẽ không thể cạnh tranh, phát triển khi thuế về 0% vì đây là lĩnh vực chủ lực của 2 quốc gia trên. Thực tế ngành sữa Việt Nam đã có bước phát triển vượt trội thời gian qua.
Tôi còn nhớ sau khi Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), một cuộc tuần hành lớn được tổ chức ở trung tâm Hà Nội để cổ vũ sự kiện này và có mời cựu Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển tham dự nhưng ông từ chối. Lý do, ông cho rằng không nên chỉ tập trung vào khía cạnh chào đón sự kiện quan trọng bằng những buổi lễ tưng bừng. Cần thiết hơn là cách chúng ta sẽ thực thi và tận dụng ra sao cơ hội sự tham gia vào WTO. Chúng tôi luôn nhớ kỷ niệm này, cũng là nhắc nhở trước mỗi bước đi quan trọng trong hội nhập của quốc gia, nếu không có sự chuẩn bị thì thách thức sẽ rất lớn.
Vì thế tôi cho rằng giờ là thời điểm tiến hành các bước cụ thể để chúng ta sớm phê chuẩn, thông qua hiệp định này, trang bị điều kiện để cạnh tranh tốt hơn.
CPTPP có lộ trình điều chỉnh thuế quan tương đối dài để các nước, doanh nghiệp chuẩn bị. Theo chỉ đạo ban đầu của Chính phủ về kế hoạch hành động triển khai hiệu quả hiệp định, doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm cần ưu tiên để họ tận dụng cơ hội, cạnh tranh.
- Ông đánh giá ra sao về việc Mỹ đang bỏ ngỏ khả năng quay trở lại tham gia vào hiệp định này dù CPTPP đã được ký?
- Việt Nam cũng như các nước đều chào đón Mỹ quay trở lại với những điều kiện giữ nguyên khi các nước kết thúc đàm phán TPP trước đây. Tất nhiên quan điểm của Mỹ chỉ tham gia nếu thay đổi những điều kiện này.
Chỉ khi xác định điều kiện của Mỹ nếu quay trở lại như thế nào mới có thể đánh giá được cơ hội, thách thức mà các nước thành viên phải đối diện. Trường hợp Mỹ vẫn giữ nguyên những điều khoản đàm phán TPP trước đây thì điều đó có lợi cho tất cả các bên tham gia.
- Trong số 11 thành viên tham gia CPTPP thì Việt Nam là nước có chỉ số phát triển thấp nhất. QUan điểm của ông về nhận định phần thiệt sẽ nghiêng về Việt Nam nếu Mỹ quay trở lại?
- Việt Nam đúng là nước có chỉ số phát triển thấp nhất trong các nước tham gia CPTPP nhưng một số chỉ tiêu khác như chỉ số phát triển con người, kim ngach xuất khẩu… Rõ ràng là nước có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn các nước nên thách thức khi tham gia lớn hơn, do đó các nước đã giành ưu tiên đặc biệt với Việt Nam.
Trong danh mục tạm hoãn thực thi nghĩa vụ của CPTPP đề xuất cho Việt Nam chiếm số lượng cao nhất, các nước cũng đồng ý với đề xuất này. Kể cả khi tham gia TPP trước đây chúng ta cũng có lộ trình chuyển đổi sở hữu trí tuệ, cắt giảm thuế quan dài hơn các nước. Điểm cơ bản là Việt Nam có lộ trình rõ ràng cho tiến trình hội nhập, định hướng rõ ràng.
Trường hợp Mỹ trở lại khi CPTPP đã được ký cũng không thay đổi nội dung hiệp định này. Dù chúng ta có điều kiện phát triển kinh tế thấp hơn nhưng hoàn toàn tự tin có thể tiến tới thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của hiệp định này.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)