Tối 11/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên đường thăm New Zealand và Australia, theo lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, người có nhiều năm theo dõi tình hình khu vực, đánh giá chuyến thăm lần này có ý nghĩa quan trọng và sẽ đóng góp nhiều cho hòa bình, ổn định khu vực.
- Thưa ông, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia và New Zealand lần này có ý nghĩa thế nào?
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức cả Aukland và Canberra trước khi tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Australia - ASEAN ở Sydney. Điều này cho thấy cả hai nước coi mối quan hệ với Việt Nam là quan trọng.
Chuyến đi của Thủ tướng cũng diễn ra ngay sau lễ ký của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP, hay còn gọi là TPP-11) ở Chile. Điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò của các vấn đề kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với New Zealand và Australia.
Năm nay, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng đối với lực lượng gìn giữ hòa bình khi triển khai bệnh viện dã chiến cấp II tới phái đoàn Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan. New Zealand và Australia đã chia sẻ kinh nghiệm về tham gia gìn giữ hòa bình với Việt Nam và cả hai có thể đóng góp giúp Việt Nam xây dựng khả năng trong các nhiệm vụ đó.
- Với việc ký hiệp định CPTPP vừa rồi, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới New Zealand và Australia có tạo thêm động lực cho hiệp định mới này?
- TPP-11 xuất hiện trong bối cảnh đã có hiệp định thương mại tự do AANZFTA (FTA giữa ASEAN Australia New Zealand) có hiệu lực từ 2010. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là chất xúc tác để thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với cả New Zealand và Australia. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nâng cấp quan hệ với Australia lên tầm đối tác chiến lược. Các vấn đề kinh tế sẽ quan trọng hơn và các bên sẽ thành lập các nhóm tham vấn cấp bộ trưởng về hợp tác kinh tế để giúp quan hệ thương mại, đầu tư và hỗ trợ phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy sự hội nhập hơn giữa các nước cũng như kinh tế khu vực.
- Nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược sẽ đóng góp thế nào cho quan hệ song phương và hai nước sẽ có lợi gì?
- Việt Nam đặt quan hệ đối tác chiến lược là phần quan trọng nhất trong các quan hệ song phương. Cho tới trước chuyến đi này, Australia mới là đối tác toàn diện. Việc đồng ý nâng quan hệ chiến lược đồng nghĩa với việc hai bên có thể trao đổi lãnh đạo cấp cao nhất thường xuyên hơn. Quan hệ đối tác chiến lược cũng sẽ đưa ra một loạt ưu tiên hợp tác và một kế hoạch hành động, tức lộ trình để đạt được các mục tiêu này.
Việt Nam và Australia đang ngày càng có nhiều điểm tương đồng về lợi ích quốc gia trên một loạt vấn đề. Việt Nam ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề khu vực. Thỏa thuận đối tác chiến lược này sẽ đưa hai nước lại gần nhau hơn để hợp tác trong 6 lĩnh vực lớn: thương mại và đầu tư; hỗ trợ phát triển; giáo dục; chính trị và ngoại giao; quốc phòng và an ninh; khoa học, công nghệ và hợp tác nhân dân.
- Việc nâng cấp này có tác động gì đến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở" đang được Washington ủng hộ?
- Australia và Việt Nam chia sẻ lợi ích chung trong vấn đề Biển Đông. Họ cùng quan điểm về tầm quan trọng của tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông, việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực và tuân thủ theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Australia và Việt Nam cũng đồng ý rằng các bên cần kiềm chế và tránh các hành động có thể làm suy giảm lòng tin hay ảnh hưởng tới nỗ lực nhằm kiểm soát hòa bình các căng thẳng. Cả hai đều ủng hộ việc triển khai đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) trên biển Đông và sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc.
Australia là đồng minh quân sự của Mỹ. Mỹ vừa mới có tàu sân bay USS Carl Vinson tới thăm cảng Đà Nẵng. Mối quan hệ giữa ba nước, cùng với các bên khác, sẽ đóng góp thiết thực tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
- Xin cảm ơn ông.
Australia sẽ giúp giảm rủi ro chiến lược ở khu vực
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói: Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Australia cũng như dự thượng đỉnh Australia - ASEAN cho thấy xu hướng củng cố hơn nữa quan hệ Việt Nam - Australia, đặc biệt trên khía cạnh chiến lược. Bản thân Australia cũng mong muốn đóng vai trò tích cực hơn ở châu Á và việc Canberra nâng cấp quan hệ, tăng cường hợp tác chiến lược là một lựa chọn mang tính thực tế và hợp lý nếu xét vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực. Việt Nam cũng mong muốn Australia đóng vai trò chủ động và tích cực hơn tại khu vực, nhất là ở Biển Đông, để giúp duy trì cân bằng khu vực và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở đây.
Sự hợp tác và can dự chiến lược gia tăng của Australia với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng càng có ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ bị các vấn đề khác nhau chi phối gây sao nhãng, khiến nhiều người lo ngại vai trò và cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ suy giảm, không chỉ dưới thời Tổng thống Donald Trump mà còn về dài hạn.
Australia sẽ giúp góp phần ngăn ngừa các rủi ro chiến lược xuất phát từ sự mất cân bằng chiến lược này. Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác nhìn chung sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng vai trò của Australia, và vì vậy cần khuyến khích hợp tác với Canberra hơn nữa trên bình diện này.
Theo Thanh Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)