Từ nhiều năm nay, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước coi là “vũ khí” hữu hiệu chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế.
Trao đổi với báo chí, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 là tiếp tục kiên định quản lý thị trường vàng theo quy định của Nghị định 24 để kiểm soát chặt chẽ và duy trì sự ổn định của thị trường vàng miếng.
Việt Nam là nước không sản xuất vàng, chủ yếu là nhập khẩu nên khi USD tăng thì giá vàng tăng theo. Tuy nhiên có thời điểm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu. Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như thế nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn”.
Một đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2022, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, sẵn sàng phương án can thiệp thị trường khi cần thiết, đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý thị trường vàng, thực hiện mục tiêu hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quản lý, theo dõi chặt chẽ thị trường vàng miếng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong và ngoài nước, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy, do ảnh hưởng của diễn biến giá vàng quốc tế nên giá vàng trong nước biến động tương đối phức tạp. Để tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt là tập trung vào các tổ chức được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc thanh tra, kiểm tra có sự phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn (Cục Quản lý thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an...). Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện, xử lý và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các sai sót cũng như các hành vi vi phạm. Nhờ vậy, hoạt động kinh doanh vàng đã đi vào nền nếp hơn, thị trường lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường triển khai truyền thông và đối thoại chính sách với các đối tượng chịu sự quản lý thông qua cuộc họp với Hiệp hội kinh doanh vàng và các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng để truyền tải thông điệp về định hướng tiếp tục quản lý chặt chẽ nhằm ổn định thị trường vàng, loại bỏ tình trạng vàng hóa ra khỏi hệ thống các tổ chức tín dụng và hạn chế tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Từ đó ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và kinh tế vĩ mô trong nước.
Theo Lan Hương (Lao Động)