Theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, có hiệu lực từ 1/7, ngân hàng có quyền phong tỏa hoặc đóng tài khoản không chính chủ, tài khoản được dùng làm phương tiện lừa đảo mà không cần chờ cơ quan công an vào cuộc.
Trường hợp nào tài khoản bị phong toả hoặc bị đóng?
Điều 11 của Nghị định 52 quy định cụ thể về các trường hợp phong tỏa tài khoản. Theo đó, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư nếu tổ ngân hàng phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi “Có” nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của ngân hàng chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi “Có” vào tài khoản thanh toán khách hàng.
Theo Điều 12 Nghị định 52, việc đóng tài khoản thanh toán sẽ được thực hiện khi chủ tài khoản vi phạm hành vi bị cấm như: mở tài khoản mạo danh, mua, bán cho thuê, cho mượn tài khoản; lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản; sử dụng tài khoản thanh toán để đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Tài khoản dùng để lừa đảo, gian lận sẽ không còn?
Với những quy định trên tại Nghị định 52, tài khoản ngân hàng mà tội phạm sử dụng với mục đích lừa đảo được kỳ vọng sẽ bị “dọn dẹp”.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện một ngân hàng TMCP lớn cho biết, trên thực tế ngân hàng này đã xây dựng một danh sách các tài khoản đáng ngờ từ 3 năm nay.
“Trước đây, nếu nghi ngờ một tài khoản được dùng vào việc lừa đảo nhưng chưa có kết luận cũng như quyết định chính thức từ cơ quan điều tra thì ngân hàng cũng không được phép hạn chế dòng tiền ra, vào tài khoản đó.
Nhưng kể từ ngày 1/7, khi Nghị định 52 chính thức có hiệu lực, ngân hàng hoàn toàn có thể mạnh tay hơn với các tài khoản này”, đại diện ngân hàng nói.
Tuy nhiên, mới có rất ít ngân hàng mạnh tay áp dụng quy định về phong tỏa, khóa tài khoản có dấu hiệu lừa đảo dù đã đầu tư rất nhiều nguồn lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ các hành vi gian lận, lừa đảo.
Tại MB, nhà băng này thực hiện tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo kể từ ngày 18/6.
Nếu khách hàng chuyển tiền trên ứng dụng ngân hàng điện tử đến một tài khoản 'không an toàn', ngân hàng gửi ngay cảnh báo đây là tài khoản lừa đảo, để khách hàng dừng giao dịch. Từ cảnh báo này, nhiều khách hàng đã kịp thời dừng việc chuyển tiền đến các tài khoản đang nghi do bị nhầm lẫn hoặc bị lừa.
Tuy vậy MB cho biết do mới triển khai thử nghiệm nên chưa có thống kê con số, đánh giá hiệu quả cụ thể trong việc ngăn chặn các vụ lừa đảo.
Trao đổi với VietNamNet về việc vì sao việc cảnh báo tài khoản lừa đảo cho khách hàng đang chuyển tiền online chưa được nhiều ngân hàng áp dụng, đại diện một ngân hàng cho hay, dù tính năng này rất hữu ích trong việc bảo vệ tài sản cho khách hàng, nhưng nó có thể khiến khách hàng nhầm tưởng rằng chỉ tài khoản bị cảnh báo mới là lừa đảo.
Trong khi thực tế, chủ tài khoản cũng có thể mở cùng lúc nhiều tài khoản để lừa đảo nhưng chưa bị phát hiện ở ngân hàng này đã lừa nhận tiền ở ngân hàng khác.
Trước đây, khi cơ quan chức năng chưa công bố danh sách những tài khoản gian lận, các ngân hàng đã tự lập danh sách tài khoản cần cảnh giác nhưng chưa có cơ sở để cảnh báo cho khách hàng.
Theo vị này, ngay cả việc các ngân hàng đồng loạt triển khai tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản lừa đảo, cũng khó có thể ngăn chặn hoàn toàn các hành vi lừa đảo, bởi tài khoản lừa đảo vẫn có thể được mở bất cứ khi nào.
Vị này đánh giá, khi chưa có đầy đủ danh tính các tài khoản lừa đảo, để ngăn chặn và cảnh báo khách hàng khi chuyển tiền, thì việc xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt được thực hiện đủ rộng đã có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)