Vụ khách hàng mất 26,5 tỷ đồng trong tài khoản: Lưu ý không cài app lạ, không lưu căn cước ở điện thoại

04/07/2024 19:46:56

Trước diễn biến mới của tình trạng lừa đảo công nghệ ngày một gia tăng, các ngân hàng đưa ra những cảnh báo để tránh mất tiền trong tài khoản.

Khách hàng mất hơn 26,5 tỷ trong tài khoản ngân hàng

Bị kẻ gian dùng thủ đoạn quen thuộc để lừa mất 26,5 tỷ đồng trong tài khoản, nữ khách hàng khởi kiện 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank đòi bồi thường đã khiến dư luận xôn xao. 

Ngày 2/7, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên án phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Chúc (50 tuổi, ở Bắc Ninh) với bị đơn là các ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Vụ khách hàng mất 26,5 tỷ đồng trong tài khoản: Lưu ý không cài app lạ, không lưu căn cước ở điện thoại
Ảnh minh họa

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh Bắc Ninh phán quyết 2 ngân hàng Techcombank và Vietcombank không có lỗi trong việc khách hàng bị lừa mất hơn 26 tỷ đồng, bà Chúc đều không nhận được bất cứ khoản bồi thường nào từ phía ngân hàng.

Tại tòa phúc thẩm (chiều 2/7), phía Techcombank khẳng định đã tư vấn, hướng dẫn thủ tục mở và sử dụng tài khoản cho khách hàng, gồm bà Chúc. Sau đó, bà Chúc đã thao tác để hủy sử dụng trên điện thoại iPhone và đăng ký trên thiết bị khác (theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo bà Chúc).

Khi xảy ra sự cố, ngân hàng làm theo ba bước gồm tư vấn cho khách tạm khóa tài khoản; khuyến cáo báo công an; tích cực phối hợp, cung cấp thông tin để truy tìm kẻ lừa đảo.

Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đánh giá, thời điểm mở tài khoản, bà Chúc cần phải biết và buộc phải biết về các điều khoản liên quan. Techcombank đã cung cấp cho bà Chúc tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, OTP kích hoạt…

Tuy vậy, khi bà Chúc cài phần mềm theo yêu cầu của kẻ lừa đảo, bà đã gián tiếp cung cấp thông tin về tài khoản cho chúng nên việc bị mất 14,6 tỷ đồng hoàn toàn thuộc lỗi của bà.

Sau đó, tòa chuyển sang xét xử vụ kiện thứ hai giữa bà Chúc với Vietcombank. Sau quá trình xét xử và tranh luận, HĐXX đánh giá, theo kết luận giám định, các đối tượng lừa đảo đã chiếm quyền kiểm soát gồm: số điện thoại, tài khoản của bà chúc tại ngân hàng Vietcombank. Bà Chúc đã cài đặt phần mềm do các đối tượng lừa đảo yêu cầu nên mọi xác thực giao dịch, tin nhắn, OTP kích hoạt… ngân hàng gửi về bà không nhận được, do đó phía ngân hàng “không có lỗi”.

Từ đó, HĐXX bác kháng cáo của bà Chúc, chấp nhận kháng cáo của ngân hàng Vietcombank, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Từ Sơn. 

Sau phiên tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh phán quyết 2 ngân hàng Techcombank và Vietcombank không có lỗi trong việc khách hàng bị lừa mất hơn 26 tỷ đồng.

Ngân hàng cảnh báo để tránh mất tiền trong tài khoản

Theo chia sẻ của các chuyên gia an ninh mạng, lừa đảo trực tuyến liên tục biến đổi theo các hình thức mới. Nếu người dùng tải về điện thoại các app lạ (app ngoài kho ứng dụng của app store đối với điện thoại hệ điều hành iOS, hoặc ngoài Cửa hàng Play đối với điện thoại hệ điều hành Android), mã độc sẽ tấn công và chiếm quyền điều khiển thiết bị di động cũng như chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng mà người dùng không hề hay biết.

Trước diễn biến mới của tình trạng lừa đảo công nghệ ngày một gia tăng, các ngân hàng liên tục phải cập nhật và đưa ra những cảnh báo.

Ngân hàng BIDV cảnh báo về hiện tượng các đối tượng giả danh cán bộ của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ (đặc biệt là cơ quan công an, thuế) gọi điện thoại thông báo khách hàng cần khai báo/cập nhật thông tin tại các ứng dụng của cơ quan Nhà nước (như VNEID, VSSID, eTax,... ), hướng dẫn khách hàng tải ứng dụng giả mạo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng đang sử dụng các thiết bị Android tắt các ứng dụng có quyền Hỗ trợ (Accessibility) tại mục "Cài đặt > Hỗ trợ > Ứng dụng đã cài đặt", đồng thời khuyến cáo khách hàng:

Chỉ cài đặt các ứng dụng chính thức trên Appstore và CH Play, không cài đặt qua các web/link lạ, tuyệt đối không cung cấp/để lộ thông tin (mật khẩu, mã xác thực,... ) cho bất kỳ ai để tránh bị lợi dụng.

Tuyệt đối không lưu trữ trên thiết bị di động: ảnh chụp chứng minh thư nhân dân (CMTND), căn cước công dân (CCCD), hộ chiếu cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu truy cập ứng dụng ngân hàng. Luôn cập nhật ứng dụng ngân hàng lên phiên bản mới nhất.

Ngân hàng VietinBank cũng đưa ra khuyến cáo "3 không" và "4 nên" đối với khách hàng nhằm tránh bị kẻ gian lừa đảo tìm cách xâm nhập vào tài khoản.

Theo đó, VietinBank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cài đặt phần mềm giả mạo dịch vụ công (Bộ Công an, VNEID, Tổng cục quản lý đất đai, Tổng cục thuế... ) từ các trang web/đường link/QRCode lạ hoặc file APK. Tuyệt đối không click vào các đường link lạ được gửi qua email/tin nhắn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật như tên truy cập, mật khẩu, mã OTP... cho bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả công an hay nhân viên ngân hàng. 

Cùng với đó, VietinBank khuyến cáo khách hàng chỉ nên cài đặt phần mềm trên chợ ứng dụng App Store/Google Play/CH Play.

Các ngân hàng khẳng định không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học cũng như không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…).

Ngân hàng Agribank mới đây đã đưa ra cảnh báo về việc các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.

Ngân hàng Agribank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số,... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank cũng nhấn mạnh "ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học".

Vietcombank cũng vừa phát đi cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng. Vietcombank khuyến cáo, khách hàng không truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại…

Vietcombank khẳng định không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào link, không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.

Ngân hàng Sacombank cũng lưu ý khách hàng để hạn chế tình trạng kẻ gian giả mạo, lừa đảo, khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ website hay ứng dụng nào khác. Sacombank tuyệt đối không yêu cầu khách cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật… qua điện thoại hoặc qua đường link.

NHNN khuyến cáo người dân hạn chế dùng máy tính công cộng, mạng wifi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử... Đặc biệt, không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web… cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng,

Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/mật khẩu, khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong thẻ.

Theo Nam An (Nguoiduatin.vn)

https://kenh14.vn/vu-khach-hang-mat-265-ty-dong-trong-tai-khoan-luu-y-khong-cai-app-la-khong-luu-can-cuoc-o-dien-thoai-2024070416163789.chn