Nếu nhân dân tệ giảm thêm, hàng Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam

23/11/2018 15:35:06

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc điều chỉnh tỉ giá USD/VNĐ sẽ tác động đến lạm phát, lãi suất nên cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lãi suất là chi phí nên cần tránh những cú sốc cho doanh nghiệp.

Ngày 23-11, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 22.743 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với phiên trước và là phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là mức cao nhất của tỉ giá trung tâm từ đầu năm đến nay.

Giá USD trong các NH thương mại được giao dịch phổ biến mua vào 23.295 đồng/USD, bán ra 23.385 đồng/USD, giảm nhẹ so với cuối ngày hôm qua.

Tỉ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng khoảng 1,5%.

Tại hội thảo chủ đề Chiến tranh thương mại: Tương lai doanh nghiệp sản xuất? do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng 23-11 tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp cũng băn khoăn trước xu hướng tăng của tỉ giá USD/VNĐ gần đây và lo ngại áp lực tăng tỉ giá sẽ còn tiếp tục trước diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nếu nhân dân tệ giảm thêm, hàng Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam
Lãi suất, tỉ giá ổn định sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa. Ảnh: Linh Anh

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phân tích Việt Nam hiện xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất, trong khi nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, do đó biến động của tỉ giá sẽ có ảnh hưởng ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Nếu tỉ giá USD/VNĐ tăng, xuất khẩu được lợi nhưng nhập khẩu lại ảnh hưởng.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 9%, VNĐ mất giá ít hơn. Một vài ý kiến cho rằng cần điều chỉnh giảm giá thêm tiền VNĐ để tránh những tác động bất lợi từ việc đồng nhân dân tệ giảm giá. Bởi nhân dân tệ giảm giá sẽ làm hàng Trung Quốc rẻ hơn và tràn sang Việt Nam, cạnh tranh với hàng nội địa.

"VNĐ cần được điều chỉnh linh hoạt ở mức độ tương đối ổn định để cân bằng giữa nhân dân tệ và USD, chứ không thể phá giá mạnh. Mức điều chỉnh khoảng 2%-3% trong một năm có thể chấp nhận được. Đặc biệt khi Việt Nam đang là thị trường đứng thứ 5 về xuất siêu sang Mỹ, nếu VNĐ mất giá mạnh có thể bị xem là hành động thao túng tiền tệ nên cần cẩn trọng" - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận xét.

Ngoài ra, biến động của tỉ giá USD/VNĐ cần được đặt trong mối tương quan tác động tới lạm phát, lãi suất. Tỉ giá tăng, xuất khẩu sẽ được hưởng lợi nhưng Việt Nam nhập khẩu cũng nhiều, nợ công cao nên chưa hẳn có lợi. Quan trọng hơn, tăng tỉ giá sẽ tạo áp lực lên lạm phát, lãi suất mà đây là chi phí của doanh nghiệp.

"Chính phủ không muốn gây ra những cú sốc cho doanh nghiệp. Đồng thời, cách tiếp cận chính sách cũng không nên giật cục để giúp doanh nghiệp nắm bắt, xây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định hơn" - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)