Nắng nóng gay gắt, hóa đơn tiền điện tăng kỷ lục!

05/05/2023 10:17:13

Tiền điện tháng 4 ở không ít gia đình tại TPHCM đã tăng 30-50% và dự báo tiếp tục tăng trong tháng 5 khi biểu giá điện sinh hoạt tăng, tuy nhiên "không dùng không được".

TP.HCM liên tục lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện

Theo Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), trong tháng 4, thành phố liên tục ghi nhận những ngày tiêu thụ điện ở mức cao, thậm chí xác lập kỷ lục.

Ngày 25/5, toàn thành phố tiêu thụ hơn 93,56 triệu kWh, cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt là trước đó chỉ vài ngày (21/4), thành phố vừa mới xác lập kỷ lục về tiêu thụ điện (93,53 triệu kWh). Cùng kỳ các năm trước đều dưới mốc 80 triệu kWh/ngày.

Do nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên hóa đơn tiền điện đã tăng lên kha khá, từ mức 30% đến 50% so với tháng trước.

Báo Dân Trí dẫn lời chị Trần Thị Mỹ (32 tuổi) sống trong một căn hộ tại chung cư Lê Thành, quận Bình Tân (TPHCM), cho biết tháng 4, tiền điện sinh hoạt của gia đình chị đã tăng gần 50%, từ mức trung bình 800.000 đồng mỗi tháng lên 1,2 triệu đồng.

Các thiết bị sử dụng điện trong nhà không nhiều lên nhưng máy lạnh gần như được dùng hết công suất. "Cứ 6h chiều, tôi phải dẫn 2 con nhỏ vào phòng ngủ và bật máy lạnh. Bên ngoài trời nực không chịu nổi", chị Mỹ nói.

Nắng nóng gay gắt, hóa đơn tiền điện tăng kỷ lục!
Hóa đơn tiền điện chưa vào mùa cao điểm đã tăng 40-50%.

Anh Lê Anh Quang (27 tuổi) cùng một người bạn thuê căn hộ cao cấp tại quận 7 (TPHCM), thừa nhận gần như mở máy lạnh cả ngày lẫn đêm nếu ở nhà. Trước đây, anh mở quạt ban ngày, đêm ngủ mới mở máy lạnh.

Tuy nhiên, từ 8h sáng, nắng đã xuyên vào nhà như thiêu như đốt, không khí ngột ngạt, người đổ mồ hôi... nên anh phải mở máy lạnh. Trong tháng 4, căn hộ của anh đã phải trả thêm 400.000 đồng hóa đơn tiền điện, lên mức 1,1 triệu đồng, tăng 40%.

Không chỉ chị Mỹ, anh Quang, nhiều gia đình đều ưu tiên sử dụng các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt phun sương, máy tạo ẩm... để vượt qua nắng nóng cao điểm.

Đại diện EVNHCMC cho rằng nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng cao. Đặc biệt, nắng nóng vào cuối tuần nên mặc dù khối sản xuất và các cơ quan, cao ốc văn phòng nghỉ nhưng lượng điện tiêu thụ vẫn đạt trên 92,34 triệu kWh, chỉ thấp hơn 1,27% so với ngày thứ sáu trước đó và cao hơn kỷ lục của những năm trước. 

"Sản lượng điện tiêu thụ tăng cao từng ngày cho thấy tiêu thụ điện ở các hộ gia đình đang tăng rất mạnh, chủ yếu do nhu cầu làm mát tăng cao. Theo số liệu trên cho thấy bình quân một hộ gia đình trong ngày thứ bảy đã sử dụng trên 30 kWh điện. Dự báo trong mấy ngày tới, thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng lên đến 37 độ và buổi tối thấp nhất 29 độ, nền nhiệt cao và không khí oi bức nên nhu cầu sử dụng điện, nhất là điện cho các thiết bị làm mát tiếp tục tăng cao", đại diện EVNHCMC chia sẻ trên Thanh Niên Online.

Dự kiến trong 1-2 tháng tới, nhu cầu sử dụng điện cho các thiết bị làm mát tại các hộ gia đình, văn phòng vẫn sẽ tăng cao theo dự báo nhiệt độ nắng nóng kéo dài. Cộng thêm thời gian tới cũng rơi vào thời điểm nghỉ hè của học sinh, hóa đơn tiền điện có thể tăng mạnh, thậm chí đạt kỷ lục.

Nắng nóng, người dân cần làm gì để hoá đơn tiền điện không tăng cao?

Từ ngày 4/5, bảng giá điện sinh hoạt cũng tăng 3% với mức thấp nhất là 1.728 đồng/kWh, cao nhất 3.015 đồng/kWh tăng lần lượt 50-88 đồng/kWh so với giá cũ. Giá điện tăng kết hợp với nắng nóng kéo dài khiến nhiều người dự báo hóa đơn tiền điện tháng 5 có thể còn tăng mạnh hơn.

Dự đoán hóa đơn tiền điện tháng 5 của gia đình sẽ tăng hơn tháng trước, tuy nhiên chị Hà nói không thể không sử dụng. Gia đình chị có 2 bé nhỏ và cần mở máy lạnh để thoải mái hơn trong giấc ngủ, sinh hoạt, vui chơi. Các thiết bị điện khác ở trong nhà cũng đã dùng tiết kiệm hết sức có thể. Chị mong qua giai đoạn nắng nóng, thành phố tới mùa mưa, chi phí tiền điện sẽ ổn định trở lại.

Nắng nóng gay gắt, hóa đơn tiền điện tăng kỷ lục! - 1
Biểu giá điện sinh hoạt mới từ ngày 4/5.

Ghi nhận trên Pháp luật TP.HCM, EVNHCMC cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao trong mùa nắng nóng là do khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị để làm mát. Trong đó máy lạnh là một trong những thiết bị hao tốn điện năng nhất và chiếm tỉ trọng tiêu thụ điện lớn trong hộ gia đình.

Tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm từ 28 - 64%, có khi đến 80% chi phí điện của cả gia đình. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ làm mát trong phòng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%.

Do đó, dù thời gian sử dụng máy lạnh không thay đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của máy lạnh vẫn tăng lên rất nhiều, kết hợp với giá điện tính theo bậc thang nên tiền điện càng tăng cao.

Để hạn chế hóa đơn tiền điện các tháng mùa khô tăng cao đột biến, EVNHCMC khuyến nghị khách hàng, người dân cần thật sự quan tâm thực hành tiết kiệm điện, vừa giảm nguy cơ sự cố điện vừa tránh được hóa đơn tiền điện tăng cao. Cần sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu” và hãy “Tắt khi không sử dụng”.

Nắng nóng gay gắt, hóa đơn tiền điện tăng kỷ lục! - 2

Nên cài đặt máy lạnh để nhiệt độ trong phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (khoảng 5 độ C) và hạn chế sử dụng nhiều máy lạnh cùng một lúc trong nhà.

Bên cạnh đó, việc vệ sinh máy lạnh theo định kỳ để giúp máy lạnh hoạt động ổn định tăng khả năng làm lạnh và ít tiêu hao điện năng.

Khách hàng nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi thời tiết không quá nóng; Tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để giảm tiền điện ở các bậc giá cao. Đặc biệt, hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.

PN (SHTT)

Nổi bật