Theo Quyết định 377 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4-5, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng từ 1.864,44 đồng/KWh lên 1.920,3732 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% (hơn 55,9 đồng/KWh) so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Giá điện sinh hoạt cao nhất: 3.015 đồng/KWh
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã ký Quyết định 1062 quy định về giá bán điện, trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân nêu trên. Theo đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt như sau: Bậc 1 (từ 0 - 50 KWh) là 1.728 đồng (tăng 50 đồng/KWh), bậc 2 (từ 51 - 100 KWh) là 1.786 đồng (tăng 52 đồng/KWh), bậc 3 (101 - 200 KWh) là 2.074 đồng (tăng 60 đồng/KWh), bậc 4 (201 - 300) là 2.612 đồng (tăng 76 đồng/KWh), bậc 5 (301 - 400 KWh) là 2.919 đồng (tăng 85 đồng/KWh), bậc 6 (từ 401 KWh trở lên) là 3.015 đồng (tăng 88 đồng/KWh).
Thông tin cụ thể hơn về việc điều chỉnh giá điện với nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết theo tính toán của doanh nghiệp (DN) này, tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 KWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (khoảng 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 KWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (4,7 triệu hộ, chiếm 16,85%).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 KWh/tháng là 11.100 đồng/hộ, (khoảng 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01%). Đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỉ trọng lớn nhất. Đối với hộ tiêu thụ 300 KWh/tháng, số tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ (khoảng 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81%). Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 KWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (khoảng 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95%).
Cũng theo Quyết định 1062 của Bộ Công Thương, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường. Theo đó, cấp điện áp từ 110 KV trở lên, giá điện dao động 999 - 2.844 đồng/KWh tùy khung giờ cao, bình thường và thấp điểm. Cấp điện áp 22 KV đến dưới 110 KV, giá 1.037 - 2.959 đồng/KWh, tùy khung giờ. Cấp điện áp 6 KV đến dưới 22 KV, giá bán 1.075 - 3.055 đồng/KWh, tùy khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6 KV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/KWh. Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 - 1.940 đồng/KWh tùy khung giờ, cấp điện áp.
Theo tính toán của EVN, với hơn 1,8 triệu hộ sản xuất, bình quân mỗi tháng một hộ sản xuất trả tiền điện là 10,6 triệu đồng. Sau khi tăng giá, mỗi tháng sẽ trả thêm 307.000 đồng.
EVN đề xuất tăng ở mức cao hơn
Với quyết định nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng sau hơn 4 năm giữ nguyên ở mức 1.864,44 đồng/KWh. Theo quy định tại Quyết định 24 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, mức tăng 3% thuộc thẩm quyền của EVN. Tuy nhiên, việc tăng giá điện đã được báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét, đồng ý về chủ trương.
Theo Bộ Công Thương, về cơ cấu chi phí mua điện năm 2022 của EVN, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỉ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%. Cơ cấu nguồn điện phát từ nhiệt điện (than, khí) chiếm tỉ trọng cao dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. Khi chi phí sản xuất - kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất - kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp nhiều khó khăn, thua lỗ.
Tại buổi cung cấp thông tin về điều chỉnh giá điện chiều 4-5 của EVN, phóng viên Báo Người Lao Động đã đặt câu hỏi về việc trong đề xuất lên cấp có thẩm quyền, EVN có đưa ra phương án tăng giá điện cao hơn mức 3% hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng Giám đốc EVN, không tiết lộ cụ thể nhưng cho biết EVN đề xuất tăng ở mức cao hơn 3%. "Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, Bộ Công Thương, Chính phủ chỉ đạo mức tăng phù hợp để giảm thiểu tác động ở mức thấp nhất có thể. Do đó, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân tối đa ở mức 3% so với hiện hành" - ông Nam nói.
Ông Nguyễn Xuân Nam cho biết với 8 tháng còn lại trong năm 2023, khi tăng giá điện 3%, doanh thu của EVN ước tăng khoảng 8.000 tỉ đồng. Con số này giúp giảm thiểu khó khăn tài chính cho EVN nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt trong việc bảo đảm cân đối đủ điện.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, đánh giá việc tăng giá điện có tác động nhất định đến CPI nhưng không lớn. Mức tăng 3% bảo đảm việc điều hành giá có lộ trình, không giật cục, hài hòa lợi ích các bên.
Sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tăng giá điện
Với mức tăng giá 3% thì khó khăn tài chính với EVN vẫn còn. Tuy nhiên, để đề xuất tăng giá lần tiếp theo, ông Nguyễn Xuân Nam cho biết điều chỉnh giá cần phải thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Do đó, nếu được cấp có thẩm quyền cho phép, theo ông Nam, việc tăng giá điện lần tiếp theo cũng phải tối thiểu 6 tháng mới thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phong Phú Quốc tế:
Giảm khả năng cạnh tranh
Tại buổi gặp với Sở Công Thương TP HCM gần đây, nhiều DN xuất khẩu phản ánh tình hình vô cùng khó khăn, thậm chí khó hơn giai đoạn hậu COVID-19 và đề xuất chính quyền hỗ trợ vượt khó. Trong hoàn cảnh như vậy, bất cứ giá đầu vào nào gồm vật tư nguyên liệu, điện, nước hay chi phí nhân công… tăng đều làm DN xính vính. Đặc biệt, DN dệt may đã bị giảm đơn hàng từ cuối năm ngoái đến nay, đa số DN phải rất nỗ lực mới có thể duy trì được sản xuất. Giá điện tăng khiến DN bị đội chi phí và đội giá thành, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, các chỉ số tiêu dùng đều tăng trong khi DN không thể tăng giá bán, dẫn đến hoạt động không hiệu quả. Bản thân Công ty CP Phong Phú Quốc tế phải tìm thêm thị trường mới và nâng cao hiệu quả sản xuất để quản trị chi phí và bảo đảm hiệu quả hoạt động của DN.
Ông Đỗ Phước Tống, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Duy Khanh:
Mối lo mới cho DN
Nếu kinh tế đang phát triển, DN hoạt động hiệu quả thì DN sẽ dễ cân đối chi phí khi giá điện tăng. Còn hiện tại, hầu hết các ngành sản xuất - kinh doanh đều vô cùng khó khăn, tiêu thụ toàn cầu giảm sút, khách hàng đề nghị giảm giá để duy trì đơn hàng. Chênh lệch 3% giá điện tăng sẽ là mối lo mới của nhiều DN. Trước mắt, DN chỉ có thể chấp nhận gánh thêm khoản tiền điện phát sinh bởi mọi khoản chi phí có thể cắt giảm hay cân đối đều đã được triển khai từ trước.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng):
"Tổn thương" thêm
Kinh tế khó khăn kéo dài trong thời gian qua đã làm cho DN vô cùng chật vật. Tất cả chi phí đầu vào đều tăng, trong khi giá xuất khẩu vẫn không tăng. Nay cộng thêm giá điện tăng càng làm cho DN tổn thương nghiêm trọng hơn. Sức khỏe của DN không tốt, nay cộng thêm giá điện tăng càng làm cho họ thêm trọng thương, chỉ cần có đòn đánh nhẹ cũng đủ hạ họ đo ván.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Hưng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:
Tạo yếu tố bất lợi
Nhà nước đang tìm giải pháp giảm thuế GTGT, kéo lãi suất ngân hàng giảm thêm để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất - kinh doanh và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ phát thông điệp mạnh mẽ về việc tạo mọi điều kiện cho DN vượt qua khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh như vậy, việc điều chỉnh tăng giá điện dù là 3% cũng làm giảm ý nghĩa hỗ trợ, tiếp sức của Chính phủ. Thực tế, DN hoạt động trong mọi ngành nghề, lĩnh vực đều phụ thuộc vào điện. Thêm nữa, đang là cao điểm nắng nóng, việc tăng giá điện càng đẩy hóa đơn tiền điện tăng cao, gây áp lực lên cả DN và người dân. Hệ quả dễ thấy nhất là tăng giá điện sẽ làm giảm sức mua thị trường, làm chậm quá trình thúc đẩy phục hồi thị trường.
T.Nhân - N.Hải ghi
Theo Minh Chiến (Nld.com.vn)