Thị trường chứng khoán năm 2022 được tiên đoán sẽ bao gồm những đợt tăng giá xen kẽ giảm giá, nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên.
Trải qua một năm 2021 đầy biến động, chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư an toàn và có lợi nhuận tốt. VN Index tăng từ 1.100 vào đầu tháng 1.2021 lên đến xấp xỉ 1.500 vào những ngày cuối tháng 12.2021. Các nhóm ngành thu hút nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư trong năm 2021 là tài chính, năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tiện ích, công nghiệp và bất động sản.
Các chuyên gia dự báo dịch COVID-19 vẫn tiếp tục là một biến số trong năm 2022. Những yếu tố như nguồn cung vaccine cho mũi thứ ba, sự hoành hành của biến thể Omicron và liệu có sự xuất hiện của các biến chủng mới sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, thị trường chứng khoán năm 2022 được tiên đoán sẽ bao gồm những đợt tăng giá xen kẽ giảm giá, nhưng xu hướng chung của thị trường vẫn là đi lên nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau dịch đang được duy trì.
Việt Nam vẫn là mảnh đất hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, với nguồn cung lao động dồi dào, sự phát triển nhanh chóng của ngành bất động sản công nghiệp, hậu cần và hạ tầng giao thông.
Cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì sức hút nhờ các báo cáo tài chính tích cực. Dự đoán, các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục đổ tiền vào nhóm các ngân hàng thương mại lớn có độ ổn định cao, hoặc nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (đặc biệt là các ngân hàng quy mô nhỏ) có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ chung của ngành.
Tiếp theo là sự lên ngôi của cổ phiếu của các công ty chứng khoán, do dự báo một năm khởi sắc của chứng khoán nên lợi nhuận của các công ty này sẽ tăng cao.
Nhóm ngành hàng thiết yếu cũng sẽ tiếp tục trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ phục vụ nhu cầu thiết yếu và nhu cầu mua sắm do nhu cầu của người dân được dự báo sẽ phục hồi sau khoảng thời gian dài giãn cách xã hội.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực tài chính vững mạnh, có quỹ đất dồi dào và có mục tiêu tăng trưởng rõ ràng trong năm mới cũng được coi là hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong bối cảnh bất động sản chưa bao giờ là ngành hết “nóng” ở Việt Nam.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể xem xét tới các ngành có lợi nhuận đột biến do tăng giá hàng hóa bao gồm khai thác và chế biến thép, các kim loại màu, phân bón, hóa chất, dầu khí, xi măng hoặc các doanh nghiệp vận tải, hậu cần là các ngành được hưởng lợi do chuỗi cung ứng đứt gãy khiến giá cước vận chuyển tăng cao.
Các ngành thủy sản, trang thiết bị y tế và dược phẩm, năng lượng… có cơ hội gia tăng doanh số bán hàng, giúp đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận và thông qua đó cổ phiếu doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn.
Bước sang giai đoạn “bình thường mới”, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và thích nghi để bước vào giai đoạn tăng trưởng như trước khi đại dịch xảy ra. Lãi suất có thể tăng nhẹ, nhưng có thể vẫn ở mức thấp hơn trước đại dịch do cần hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, gửi tiền ngân hàng vẫn chưa phải là một lựa chọn hấp dẫn cho nguồn vốn nhàn rỗi. Vốn sẽ vẫn tiếp tục đổ vào các kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn như chứng khoán, bất động sản. Kỳ vọng tăng trưởng EPS (lợi nhuận sau thuế của cổ phiếu) cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, các động lực chính thúc đẩy thị trường là sự lạc quan của nhà đầu tư về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, các gói hỗ trợ tài khóa cho doanh nghiệp và người dân, mức tăng trưởng kinh tế cao và mức gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Rủi ro lớn nhất hiện nay là sự phát triển của các biến chủng COVID-19 mới, gây ra tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với tầm nhìn tăng giá dài hạn, VN Index được kỳ vọng tăng ở mức bằng hoặc cao hơn mức tăng năm 2021, thì các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư mua tích lũy các cổ phiếu.
Theo Xuân Thảo (Lao Động)