Trong khi cổ phiếu nhiều đại gia bán lẻ đi ngang, FRT lại có cú lội dòng mạnh mẽ. Từ vùng giá xấp xỉ 30.000 đồng hồi tháng 7, mã này tăng phi mã lên mức đỉnh lịch sử 104.500 đồng/cp (phiên 30/12), tức mức tăng 3,5 lần trong vài tháng.
Chỉ một thời gian ngắn tăng giá, FRT đang giảm mạnh trước lực bán áp đảo. Tính đến 12/1, FRT hồi phục về mức giá 80.600 đồng/cp, giảm 23% thị giá chỉ sau một tuần giao dịch. Tương ứng, vốn hoá công ty "bốc hơi" 1.817 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VSCS) đã điều chỉnh khuyến nghị cổ phiếu FRT từ "Phù hợp thị trường" xuống "Kém khả quan". Trong báo cáo ngày 29/12, VSCS cho rằng giá cổ phiếu này ở mức phù hợp là 86.900 đồng/cp, dù thị giá khi đó là 104.000 đồng/cp.
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2021, FRT có doanh thu lũy kế đạt 14.018 tỷ đồng, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu chuỗi Nhà thuốc Long Châu đạt 2.529 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 137 tỷ đồng, gấp xấp xỉ 8 lần so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 114% kế hoạch lợi của năm 2021.
Về mạng lưới cửa hàng, kết thúc 9 tháng năm 2021, chuỗi FPT Shop có 630 cửa hàng, mở thêm 34 cửa hàng so với đầu năm 2021. Trong khi đó, chuỗi Long Châu sở hữu 308 nhà thuốc, mở mới 108 nhà thuốc so với đầu năm.
Đáng chú ý, tính riêng trong quý 3, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, 40 nhà thuốc Long Châu mới vẫn đi vào hoạt động và với tốc độ này, FPT Long Châu hoàn toàn tự tin sẽ chạm mốc 350 nhà thuốc vào cuối năm 2021.
Một đại gia khác trong mảng bán lẻ cũng liên tục tìm cách mở rộng thị phần cạnh tranh là Thế Giới Di Động (MWG). Thế Giới Di Động chưa đưa ra ước kết quả của cả năm 2021 nhưng công ty cũng vừa công bố kết quả của 11 tháng với doanh thu đạt 110.530 tỷ - hoàn thành 88% kế hoạch và lợi nhuận 4.395 tỷ - hoàn thành 93% kế hoạch.
Thời điểm tháng 10, Thế Giới Di Động bất ngờ trình làng 4 cửa hàng TopZone chuyên bán sản phẩm của Apple. Chỉ trong tháng 11, chuỗi mới này đã vượt xa kỳ vọng ban đầu của công ty khi đóng góp hơn 110 tỷ đồng, tương đương mức doanh thu trung bình hơn 25 tỉ đồng/cửa hàng mỗi tháng.
Không dừng lại ở đó, nhà bán lẻ vẫn đang ráo riết chuẩn bị cho sự ra mắt của AVAWorld với những mảng kinh doanh mới hoàn toàn như: thời trang, thể thao, mẹ và bé, trang sức, xe đạp... trong thời gian tới. Thế Giới Di Động đưa vào trải nghiệm chính là dịch vụ cho vay tiền mặt cung ứng bởi F88, đang triển khai giai đoạn đầu tại TP.HCM.
Áp lực chốt lời
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 18,2 điểm (1,22%) lên 1.510,51 điểm. HNX-Index giảm 7,97 điểm (-1,65%) xuống 473,64 điểm. UPCoM-Index giảm 0,35 điểm (-0,31%) xuống 114,19 điểm.
VN-Index trải qua nhịp điều chỉnh giằng co trong phiên trước khi hồi phục mạnh mẽ và mở rộng đà tăng về cuối phiên. Việc bật tăng mạnh trở lại ngay sau nhịp lao dốc đã giúp chỉ số tạm thời lấy lại trạng thái cân bằng. Với việc bảo vệ thành công vùng hỗ trợ gần quanh 1.470, kênh tăng điểm của chỉ số vẫn được giữ vững và xu hướng tăng tiếp tục được bảo lưu. Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được xu hướng tăng và áp lực điều chỉnh kỹ thuật đang dần được rũ bỏ.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến vùng kháng cự trong khoảng 1.530-1.550 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức cao khi tham gia bắt đáy có thể tiếp tục nắm giữ để tận dụng xu hướng tăng của thị trường.
Theo tư vấn của VDSC, nhà đầu tư có thể nương theo nhịp hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục. Hiện tại, yếu tố rủi ro vẫn còn tiềm ẩn tại vùng cản nên tạm thời cần cơ cấu theo hướng giảm rủi ro cho danh mục, đồng thời đánh giá lại trạng thái của thị trường khi tín hiệu rõ nét hơn.
Theo Duy Anh (VietNamNet)