Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố thông tin ngân hàng này dự kiến sẽ chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
Cụ thể, SHB đang lên kế hoạch trình đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận 2020 với tỷ lệ 10,5%. Trước đó, đã được ĐHĐCĐ 2020 thông qua phương án chia cổ tức từ lợi nhuận của ngân hàng năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%.
Như vậy, ngay trong năm 2021, SHB sẽ chi ra nhiều nghìn tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. SHB là một trong số ít các ngân hàng năm nào cũng đều đặn chi trả cổ tức cho cổ đông với mức hấp dẫn. Mức thực nhận lên đến 20,5% có lẽ là khoản cổ tức lớn nhất trong đợt chia tiền đang được trông đợi của các ngân hàng Việt,
VietinBank (CTG) cũng vừa công bố phương án trả cổ tức 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu, VietinBank sẽ chi trả khoảng 1,86 nghìn tỷ đồng. MSB dự kiến phương án chia cổ tức tối thiểu 15%. Còn BIDV (BID) vừa thông báo chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm.
Trong khi đó, VIB (VIB) dự kiến trình ĐHCĐ phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và chào bán cổ phiếu. Năm 2020, VIB cũng chia cổ tức, cổ phiếu thưởng gần 30%. OCB dự kiến sẽ trả cổ tức 2020 ở mức 25% bằng cổ phiếu.
Những thông tin ban đầu cho thấy nhiều ngân hàng đã có kế hoạch chia cổ tức khủng ngay sau mùa ĐHCĐ năm nay. Đây cũng là lý do khiến giá nhiều cổ phiếu ngân hàng luôn duy trì ở mức cao kể từ đầu năm đến nay.
Cổ phiếu SHB tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong khoảng 3 tháng qua, cổ phiếu SHB diễn biến rất tích cực và hiện ở vùng đỉnh cao trong hơn 10 năm qua. Cổ phiếu này trở lại với đà tăng có từ trong năm trước và một lần nữa đã vượt qua đỉnh cao 15.000 đồng/cp ghi nhận hồi năm 2009.Hiện giá cổ phiếu SHB đang tích lũy quanh ngưỡng 16.000 đồng/CP. P/B dự phóng 2021 là 1.1x, khá rẻ so với P/B ngành hiện tại là 1.5x.
Các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tiếp tục có triển vọng tươi sáng sau một năm 2020 thăng hoa. Cổ phiếu BIDV diễn biến tích cực trong thời gian gần đây. Ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 13 nghìn tỷ trong năm 2021 (tăng 40%) và dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,2%. Cổ phiếu VietinBank tăng vọt và hiện đang ở vùng giá cao lịch sử. Còn MSB đặt mục tiêu tăng lợi nhuận thêm 30% lên 3.280 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.
Trong khi đó, SHB dự kiến năm 2021 với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 70% so với năm 2020 lên 5,8 nghìn tỷ đồng với nền tảng đã dứt được gánh nặng nợ xấu tồn đọng từ vụ sáp nhập Habubank vào SHB giai đoạn 2016-2020.
Theo SSI Research, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2021, trung bình sẽ tăng 21% nhờ mở rộng tín dụng, chí phí vốn giảm khi lãi suất huy động ở mức thấp. Theo BSC, các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tài sản chung của toàn ngành ngân hàng.
Gần đây, nhiều cổ phiếu ngân hàng đi ngang và tích lũy. Với các dự báo lợi nhuận tăng trưởng, các cổ phiếu này sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ở quanh ngưỡng 1.180 điểm.
Theo YSVN, thị trường có thể sẽ chưa thoát khỏi giai đoạn phân hóa trong tuần giao dịch mới. Mặc dù vậy, dòng tiền cũng có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trên nhóm cổ phiếu này khi ngưỡng 1.200 điểm của VN-Index vẫn đang là ngưỡng kháng cự mạnh mà chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được.
Điểm tích cực là dòng tiền chưa có dấu hiệu rút khỏi thị trường và luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, nếu nhịp điều chỉnh xảy ra trong tuần tới thì các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế giải ngân mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, chỉ số VN-Index giảm 0,17 điểm xuống 1.181,56 điểm; HNX-Index tăng 0,39 điểm lên 273,91 điểm. Upcom-Index giảm 0,01 điểm xuống 80,33 điểm. Thanh khoản đạt 17,8 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)