Tính đến ngày 5/3, SCB xác định số thiệt hại do bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra là hơn 760 nghìn tỷ đồng, gồm nợ gốc và nợ lãi của 1.284 khoản vay.
Thiệt hại mà bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm gây ra cho SCB là rất lớn nên SCB đề nghị HĐXX toàn bộ 1.166 mã tài sản đảm bảo cho các khoản vay cổ phần, cổ phiếu,... đặc biệt là loạt bất động sản "khủng" trên đất vàng của bà Lan cho SCB toàn quyền sử dụng, khai thác.
Toà nhà Sherwood Residence từng là nơi ở của bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan khai tại tòa, tài xế riêng đã chở 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD tiền mặt rút từ SCB về hầm B1 của tòa nhà này để bà trả nợ tiền mua các bất động sản, mua cổ phần các dự án và sử dụng vào nhiều mục đích cá nhân khác.
Tòa nhà Công ty CP đầu tư Times Square với khách sạn 6 sao đầu tiên ở TP.HCM (26-36 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) do ông Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) làm chủ tịch hội đồng quản trị. Công trình được ông Chu Lập Cơ hai lần ký thế chấp và gia hạn thế chấp, bảo lãnh cho 73 khoản vay của bà Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB 9.116 tỷ đồng.
Toà nhà số 19-25 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đứng tên con gái của bà Trương Mỹ Lan cho Ngân hàng SCB thuê làm trụ sở trong nhiều năm qua. Trong phần tự bào chữa, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên.
Trung tâm dịch vụ văn phòng VTP tại tòa nhà VTP Building (8 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) nằm trong số các dự án trên "đất vàng" Nguyễn Huệ liên quan đến Vạn Thịnh Phát.
Toà nhà Union Square nằm ngay đầu tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn và gần kề với trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được Vạn Thịnh Phát mua lại vào tháng 6/2013 với số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng.
Nằm bên bờ sông Sài Gòn, dự án Saigon One Tower sau nhiều lần đổi chủ hiện thuộc sở hữu của Công ty Viva Land - thành viên của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Saigon One Tower được khởi công xây dựng từ năm 2007 với chiều cao 195m (41 tầng), từng lọt top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam và top 3 tòa nhà cao nhất TP.HCM (sau Bitexco Financial Tower và Vietcombank Tower, khi chưa có Landmark 81). Dự án từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng kiến trúc của thành phố hoa lệ.
Toà nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, quận 1, được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 2.000m2, cao 5 tầng, làm văn phòng cho thuê. Trước đây, cao ốc này là trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, hiện đóng cửa.
Dự án Mũi Đèn Đỏ có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè đang bị kê biên để giải quyết hậu quả của vụ án Vạn Thịnh Phát. "Siêu dự án" này rộng 118ha, được đầu tư với số vốn 6 tỷ USD, bao gồm công viên đa chức năng, văn phòng, khu biệt thự, căn hộ, khách sạn, bến cảng du thuyền lớn nhất Việt Nam và mang tầm quốc tế.
Tuy nhiên, do vướng mắc về pháp lý, dự án vẫn chưa được triển khai. Dù vậy, dự án này được nâng khống giá trị lên nhiều lần để làm tài sản đảm bảo cho 100 khách hàng thuộc nhóm bà Trương Mỹ Lan vay tiền SCB, hiện dư nợ lên tới 133.710 tỷ đồng.
Riêng căn biệt thự cổ tại 110-112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) là tài sản duy nhất bà Lan tha thiết xin giữ lại để cho con gái trùng tu và bảo tồn. Căn biệt thự cổ phong cách Pháp có 4 mặt tiền nằm góc giao lộ Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan - Nguyễn Thị Diệu được bà Trương Mỹ Lan bỏ ra hơn 700 tỷ đồng để mua lại năm 2015, sau đó thực hiện việc cải tạo, nâng cấp.
"Tôi xin tòa đừng kê biên tòa nhà này, trả lại cho con tôi và gia đình để cháu nó sửa chữa, bảo tồn di tích lịch sử và văn hoá cho Việt Nam. Gia đình tôi sửa chữa 5 năm rồi, mong HĐXX giải tỏa kê biên để tiếp sửa, nếu không sẽ bị hư hỏng”, bà Trương Mỹ Lan khẩn khoản đề nghị tại phiên toà hôm 15/3.
Theo Nguyễn Huế (VietNamNet)