Lời sau cùng day dứt của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn

08/04/2024 08:04:47

Cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) Đỗ Thị Nhàn và Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan khi nói lời sau cùng đều khóc và bày tỏ sự day dứt.

Sau hơn 1 tháng bị đưa ra xét xử, các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát lần lượt được nói lời sau cùng trước khi Tòa nghị án. Đây là vụ án được dư luận quan tâm bởi những sai phạm rất lớn được chỉ rõ trong kết luận điều tra.

Lời sau cùng day dứt của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn
Sau hơn một tháng xét xử, phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát đã bước vào giai đoạn nghị án

Những cái nhất được chỉ ra như: Số tiền bị rút từ Ngân hàng SCB thông qua hình thức vay vốn, chuyển về hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng; số tiền cáo buộc bà Trương Mỹ Lan tham ô từ Ngân hàng SCB tới 304 nghìn tỷ đồng; bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) nhận số tiền hối lộ tới 5,2 triệu USD.

Tài sản hình thành từ phạm tội

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước) bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 5,2 triệu USD trong giai đoạn đang là Trưởng đoàn thanh tra.

Theo đại diện VKS, bà Nhàn sau khi biết rõ thực trạng Ngân hàng SCB rất xấu, cần phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước và chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ sai phạm, nhưng đã thông qua Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn để 2 lần gặp bà Trương Mỹ Lan. Việc gặp này nhằm thỏa thuận che giấu sai phạm cho SCB.

Cũng thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, bà Nhàn nhận tổng cộng 5,2 triệu USD của Ngân hàng SCB.

Tại tòa, bà Nhàn cho biết Võ Tấn Hoàng Văn đã chủ động đến đưa tiền, còn bản thân bị cáo nhiều lần đề nghị Văn đến lấy lại tiền.

Tuy nhiên, đại diện VKS phản bác ý kiến này, vì căn cứ lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, phù hợp lời khai nhân chứng là lái xe của bị cáo Văn, xác định bà Nhàn có 4 lần nhận tiền của Văn. Những lần nhận tiền đều trong quá trình thanh tra.

Lời sau cùng day dứt của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn - 1
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa

Đại diện VKS khẳng định, bị cáo Nhàn không có ý định trả lại tiền. Cụ thể, lần gặp đầu tiên khi bị cáo Văn đưa 200.000 USD tại nơi làm việc, nếu có ý định trả lại, bị cáo Nhàn phải trả lại ngay.

Tuy nhiên, sau lần thứ nhất, bị cáo chấp nhận việc Văn đến nhà riêng gửi tiền và lần thứ 3 cũng vậy, thậm chí còn cho mật khẩu để Văn vào nhà để tiền. Lần thứ 4 nhận tiền là sau khi ban hành kết quả thanh tra. Bị cáo Nhàn đã nhận tổng cộng 5,2 triệu USD.

Với số tiền này, bị cáo Nhàn đã chia nhỏ gửi người thân, quen. Cơ quan điều tra đã đến thu lại số tiền phù hợp theo lời khai của bị cáo.

Về phần bào chữa của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư, đại diện VKS đã đối đáp nhiều vấn đề từ công bố tài liệu, trích dẫn lời khai làm căn cứ buộc tội và bác bỏ quan điểm cho rằng bà Lan đã đưa nhiều tài sản vào Ngân hàng SCB khiến cả gia tộc mất hết tài sản khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.

Đại diện VKS chỉ rõ, quá trình điều tra, Bộ Công an kê biên 1.169 tài sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Các tài sản này bị cáo Lan thừa nhận là của mình, hoặc nhờ, thuê người đứng tên giao cho Đặng Phương Hoài Tâm (cựu Phó chánh Văn phòng HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát) và các bị cáo khác theo dõi.

Theo đại diện VKS, trong số 1.169 tài sản chỉ có khoảng 60 tài sản được bà Lan mua trước năm 2012, còn lại 1.109 tài sản (chiếm 94,8% tài sản kê biên) được hình thành trùng với thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

VKS cáo buộc bị cáo Trương Mỹ Lan dùng các thủ đoạn gian dối vừa hợp thức việc rút tiền vừa che giấu hành vi phạm tội.

Lời sau cùng nghẹn đắng

Nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã nhiều lần khóc, thừa nhận "sai lầm, hèn nhát", phải trả giá đắt, đánh mất tất cả, và xin Tòa khoan hồng.

Bà Nhàn trình bày đã có 35 năm công tác trong ngành ngân hàng, được tặng nhiều bằng khen, chỉ vì phút sai lầm, giờ ân hận, xấu hổ về hành vi của mình.

Trong khi đó, bị cáo Trương Mỹ Lan khi nói lời sau cùng cũng khóc. Bị cáo trình bày, sau mỗi ngày kết thúc phiên tòa trở về trại giam, bà luôn day dứt với câu hỏi "Tại sao bản thân và gia đình lại lâm vào hoàn cảnh bi đát thế này?".

Lời sau cùng day dứt của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn - 2
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Huế

Thừa nhận luôn nhận thức đầy đủ mức độ ảnh hưởng, chi phối đối với ban điều hành Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày: “Tôi luôn nghiêm túc nhận thức, chịu trách nhiệm cùng một số bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng SCB, nhân viên Vạn Thịnh Phát về hành vi vi phạm quy định về ngân hàng. Tôi kính xin HĐXX khi đánh giá hành vi không coi tôi như là tội đồ, chủ mưu, nguyên nhân chính gây ra hậu quả của SCB hiện nay".

Bị cáo Lan cũng gửi lời xin lỗi tới cơ quan chức năng các cấp vì không thực hiện được lời hứa suốt 11 năm tham gia tái cơ cấu Ngân hàng SCB, đồng thời cũng trình bày về gia cảnh “giờ tan nát mỗi người một ngả”.

Bị cáo buộc chủ mưu cầm đầu, phạm tội trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị mức án tử hình về các tội: "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; "Tham ô tài sản"; "Đưa hối lộ".

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn được ghi nhận có những tình tiết giảm nhẹ như đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ, quá trình công tác chưa có sai phạm. Tuy nhiên, theo đại diện VKS, bị cáo Nhàn thực hiện hành vi phạm tội tinh vi, là tình tiết tăng nặng nên giữ nguyên quan điểm đề nghị tuyên phạt mức án tù chung thân về tội "Nhận hối lộ".

Theo Nguyễn Nguyên (VietNamNet)