Chi ngân sách để hoàn thuế cho DN
Trong tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2015, Bộ Tài chính cho rằng nhằm khuyến khích việc sử dụng xăng nhiên liệu sinh học (E5), góp phần bảo vệ môi trường, mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng E5đã được điều chỉnh xuống 8% và 7% với xăng E10.
Tuy nhiên, nguyên liệu để sản xuất xăng E5 bao gồm xăng RON92 (chiếm 95%) và ethanol (chiếm 5%). Trong khi doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (xăng RON92 hay xăng khoáng) bị hải quan thu 10% thuế TTĐB. Như vậy, hiện đang tồn tại một khoản tiền thuế TTĐB mà DN đã đóng cao hơn số phải nộp khấu trừ khoảng 2 - 3%, tùy loại xăng E5 hay E10.
Số này phải được khấu trừ. Song trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhận thấy, các hãng xăng dầu đang phát sinh số thuế được khấu trừ quá lớn, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của DN. Thậm chí, có DN tồn thuế để khấu trừ lên tới con số hàng chục tỉ đồng mỗi tháng.
Cụ thể, Bộ Tài chính dẫn chứng, số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết phát sinh trong năm 2018 của riêng Tập đoàn xăng dầu VN là khoảng 200 tỉ đồng (bình quân khoảng 16,6 tỉ đồng/tháng). Còn số thuế TTĐB xăng E5 RON 92 năm 2018 của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Long Hưng là khoảng 22 tỉ đồng (bình quân khoảng 1,8 tỉ đồng/tháng).
Tính chung cả nước, dự kiến số thuế TTĐB phải hoàn cho DN trong năm 2018 khoảng 300 tỉ đồng và năm 2019 khoảng 450 tỉ đồng do lượng tiêu thụ xăng sinh học năm 2019 sẽ tiếp tục tăng. “Để đảm bảo đồng bộ với luật Quản lý thuế và luật Thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính đề nghị số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong tháng đạt từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế”, cơ quan này đề xuất. Đề xuất này cũng xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội Xăng dầu VN trước đây.
Ngoài kiến nghị hoàn thuế TTĐB cho DN sản xuất kinh doanh xăng sinh học, Bộ Tài chính cũng kiến nghị nên có hướng dẫn hoàn thuế TTĐB cho DN bởi nếu không, sẽ “ảnh hưởng đến tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá bán của mặt hàng xăng E5 RON92”.
Cần sòng phẳng với người tiêu dùng
Đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói nếu nhà nước đã thu quá số tiền thuế TTĐB của DN thì phải hoàn trả lại cho DN là điều tất yếu. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc hoàn thuế trong trường hợp này là cần thiết.
Một số ý kiến khác lại không đồng ý, cho rằng việc chi ngân sách để hoàn thuế TTĐB cho DN sản xuất kinh doanh xăng dầu là hình thức buộc người dân phải chi trả tiền thuế TTĐB 2 lần. “Từ trước đến nay, bất luận có biến động gì về giá cả xăng dầu thế giới, DN kinh doanh xăng dầu luôn được bảo đảm quyền lợi có lãi bằng việc trích sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu cũng từ tiền của dân. DN làm xăng E5 ra sợ ế, để kích cầu, nhà nước lại cho giảm thuế TTĐB về mức 7 - 8% thay vì 9% và 9,5% trước năm 2016. Như vậy, nói một cách nào đó, DN sản xuất và kinh doanh xăng nói chung luôn nhận được ưu đãi từ Chính phủ, với xăng E5 đang có nhiều ưu thế hơn. Đề xuất lấy ngân sách để hoàn thuế TTĐB cho DN thực chất cũng là tiền của dân. Như vậy, dân đóng thuế TTĐB thêm lần nữa?”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nêu quan điểm.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề nghị việc chi hoàn thuế nên công khai minh bạch. Ngoài ra, nên chia thời hạn hoàn thuế số tiền ước tính 750 tỉ đồng này ra nhiều đợt, có thể 5 năm nhằm tránh gây khó cho ngân sách nhà nước.
Về lâu dài, ông Hiếu đề nghị việc tính thuế TTĐB riêng nguyên liệu sản xuất xăng E5 phải được “nhất quán” từ đầu vào và đầu ra để tránh việc thu trước rồi làm công đoạn tính toán hoàn sau vô cùng phức tạp, kể cả không loại trừ khả năng tiêu cực có thể xảy ra.
6 tháng quỹ bình ổn giá xăng dầu giảm gần 1.300 tỉ đồng
Hôm qua 5.9, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố đến hết quý 2, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) là 3.812,4 tỉ đồng. Nếu so với số dư cuối năm 2017 hơn 5.105,5 tỉ đồng thì trong 6 tháng đầu năm nay, số tiền của quỹ đã giảm hơn 1.293 tỉ đồng. Báo cáo cho thấy số tiền trích quỹ BOG trong quý 2 hơn 1.407 tỉ đồng nhưng tổng số sử dụng lên hơn 2.126,2 tỉ đồng. Trước đó, số dư tại quỹ BOG đến hết quý 1 còn hơn 4.526 tỉ đồng. Theo Bộ Công thương, thời gian qua quỹ BOG liên tục được chi sử dụng nhằm hạn chế tác động tăng giá xăng dầu thế giới tới giá bán trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
M.Phương
Theo Nguyên Nga (Thanh Niên Online)