5 điều cần biết việc đề xuất khai tử xăng A95
Lo độc quyền bán
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cách đây một ngày, Bộ Công Thương cho hay, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt hơn 1,42 triệu m3. Trong đó, xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609m3, chiếm khoảng 42%. Tiêu thụ xăng RON 95 đạt khoảng 836.296m3, chiếm khoảng 58%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, một số doanh nghiệp đầu mối quy mô nhỏ tiêu thụ được lượng xăng E5 khá cao so với tổng lượng xăng bán ra. Tuy nhiên, tại các đơn vị nắm giữ thị phần lớn nhất Việt Nam như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tiêu thụ xăng E5 chỉ chiếm hơn 47% tổng sản lượng. Tiêu thụ xăng E5 của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) có khá hơn chút ít (hơn 51%), Công ty TNHH Hải Linh với 46%.
Tại buổi làm việc, phân tích nguyên nhân xăng E5 khó thu hút người dùng, Phó tổng Giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm cho biết, hiện 82% số cửa hàng xăng dầu của tập đoàn đã bán xăng E5. Tuy nhiên, tỷ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng khi sử dụng. Cùng đó là độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.
“Giá sắn trong nước đang tăng cao làm tăng giá nguyên liệu sản xuất cồn E100, khiến mức giá bán E100 gần đây tăng, chi phí phối trộn xăng E5 cũng tăng theo, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Năm cho hay. Tổng Giám đốc PVOil Cao Hoài Dương cũng cho rằng, để người dân tin tưởng xăng sinh học, cần tạo khoảng cách chênh lệch về giá giữa E5 và RON 95 là 1.800 - 2.000 đồng.
Nhấn mạnh việc nếu không cải thiện về chính sách, sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng, ông Trần Minh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro) nói, cần tăng mức chênh lệch giữa giá xăng E5 và RON 95 từ 1.800 đồng trở lên để tạo sự hấp dẫn, đặc biệt là với lái taxi. Ông Hà cũng đặt vấn đề nên sớm triển khai bán xăng sinh học E5 RON95 và chỉ kinh doanh hai loại xăng sinh học trên toàn quốc là E5 RON92 và E5 RON95.
Ý kiến đề nghị xóa sổ xăng RON95 của ông Hà nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp. Ông Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao ý kiến này và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ.
Cả nước hiện chỉ có duy nhất Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp cồn E100 đã dẫn đến thiếu sự cạnh tranh và giá bán có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng được các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhắc đến. Về việc này, Tổng Giám đốc Công ty Tùng Lâm, ông Vũ Kiên Chỉnh cho biết, trong 10 tháng qua, giá sắn đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng). Vì vậy, việc tăng giá cồn E100 là “bắt buộc”, không phải vì công ty độc quyền. Và trong việc tăng giá thu mua sắn, người được hưởng lợi nhiều nhất là nông dân. Ông Chỉnh bày tỏ mong muốn được các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất cồn E100 trong nước thay vì nhập khẩu cồn từ nước ngoài.
Theo các chuyên gia, kinh doanh xăng E5 đang có nhiều bất cập. Cụ thể, Nhà nước đang phải bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 dưới nhiều hình thức như: Trích quỹ bình ổn giá xăng dầu cao hơn RON 95, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn. Tuy nhiên, với cơ chế trích và sử dụng quỹ bình ổn giá như hiện nay, người dân ngay cả khi không mua xăng E5 vẫn phải “gánh bù lỗ” cho loại xăng này do cứ mua xăng là phải trích 300 đồng/lít vào quỹ bình ổn giá.
Không ưu đãi, giá xăng E5 bằng xăng khoáng
Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương về triển khai bán xăng E5 đại trà, ông cũng đã nêu một số vấn đề liên quan chất lượng của xăng E5 và nguồn cung trong nước có ổn định. Cùng đó khi xóa sổ toàn bộ xăng khoáng, chuyển sang bán xăng E5, giá sắn nguyên liệu có thể tăng làm ảnh hưởng đến giá bán xăng.
Thông tin đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp tất cả đều màu hồng và có cả khẳng định giá xăng E5 thấp hơn cả xăng khoáng. Tuy nhiên, giá xăng E5 nếu không có các “ưu đãi” thì cũng ngang bằng giá xăng khoáng.
Theo ông Hùng, doanh nghiệp xăng dầu cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng xem lại một số chính sách liên quan việc phát triển xăng E5. Theo tính toán của doanh nghiệp, với mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và RON 95, chỉ riêng trong tháng 1 và 2/2018 mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỷ đồng/tháng. Nguyên nhân là người tiêu dùng đang phải dùng xăng có chỉ số ốc tan cao hơn (xăng RON95) trong khi xe máy, ô tô đời cũ không nhất thiết phải sử dụng loại xăng này.
“Ở các nước, bán xăng sinh học hay xăng gì thì cũng phải tính toán phù hợp với từng loại xe. Cơ quan quản lý hay doanh nghiệp thay vì cứ nói xăng sinh học tốt lắm thì cần hướng dẫn cụ thể cho người tiêu dùng. Cụ thể với các xe đời cũ, nếu người dùng có đổ xăng sinh học cũng không phù hợp, không bảo vệ được môi trường. Còn với cách làm như hiện nay thì đúng là tiền hậu bất nhất. Với các đề xuất này, rõ ràng người tiêu dùng bị hạn chế quyền lựa chọn các mặt hàng phù hợp cho mình để sử dụng”, ông Hùng nói.
“Nếu xóa sổ xăng RON95, chuyển hết sang bán xăng sinh học, cơ quan quản lý cũng cần tính toán kỹ. Khi đó, người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng E5 RON92 chứ chả dại dùng E5 RON95 làm gì. Xăng E5 RON92 đang có nhiều vấn đề nay lại thêm việc cho xóa sổ RON95 thì quả thật không thể tiêu hóa được”,
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Vinasta
Ethanol E100 nhiều thời điểm nhập khẩu rẻ hơn mua trong nước
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc nếu các doanh nghiệp bỏ bán xăng khoáng và chỉ bán xăng sinh học thì người tiêu dùng sẽ chịu thiệt hại, không có sự lựa chọn, ông Trần Minh Hà cho rằng, Saigon Petro đưa ra đề xuất này không hẳn là xóa bỏ hoàn toàn xăng RON95 mà là muốn đẩy nhanh lộ trình của Chính phủ trong việc đưa xăng sinh học vào sử dụng đại trà. Doanh nghiệp đề xuất như vậy còn quyết định trình lên Chính phủ cuối cùng thế nào là của Bộ Công Thương.
Về lo ngại hiện cả nước chỉ có một đầu mối sản xuất ethanol E100 cung cấp cho các doanh nghiệp phối trộn với xăng RON92, đại diện Saigon Petro cũng cho rằng nguồn ethanol nhập khẩu hiện khá sẵn. Một số doanh nghiệp đầu mối lớn, như Petrolimex, PVOil đang nhập khẩu ethanol để sử dụng và bán lại cho các đơn vị khác thay vì mua lại của đơn vị trong nước.
“Giá ethanol nhập khẩu tùy thời điểm giá rẻ hơn mua của đơn vị trong nước nên doanh nghiệp vẫn có nhiều lựa chọn. Còn chất lượng ethanol sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều như nhau”, ông Hà cho hay.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)