Nhóm Big 4 ngược chiều lãi suất
Theo thống kê, có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 12 đến nay gồm: Techcombank, BVBank, CB, Dong A Bank, VPBank, VIB, OCB, MSB, GPBank, TPBank, ABBank và IVB... Trong đó, ABBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất hai lần trong tháng. Sau tăng lãi, hàng loạt ngân hàng đẩy lãi suất cao nhất vượt mốc 6%/năm. Mức lãi suất trên 6%/năm đang được nhiều ngân hàng niêm yết cho các kỳ hạn tiền gửi dài nhưng không yêu cầu về số tiền gửi tối thiểu.
Với nhóm Big 4, lãi suất ngân hàng Agribank kỳ hạn 1-2 tháng hiện là 2,4%/năm, tăng 0,4%/năm so với hồi đầu năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3-5 tháng là 2,9%/năm, tăng 0,4%/năm.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn từ 6-11 tháng tại Agribank là 3,6%/năm, không thay đổi so với biểu lãi suất huy động hồi đầu năm. Tuy nhiên, Agribank giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn còn lại. Lãi suất ngân hàng Agribank kỳ hạn từ 12-18 tháng là 4,8%/năm, giảm 0,2%/năm so với đầu năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 24-36 tháng là 4,9%/năm, giảm 0,1%/năm so với đầu năm.
Trong khi đó, VietinBank giảm từ 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 18 tháng. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng là 2%/năm, giảm 0,2%/năm so với đầu năm.
Cũng với mức giảm như trên, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-5 tháng là 2,3%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng là 3,3%/năm.
Đối với lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng, VietinBank giảm 0,3%/năm so với đầu năm, còn 4,7%/năm.
Tại BIDV, lãi suất huy động nhìn chung giảm từ 0,1-0,3%/năm trong năm vừa qua. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 1-18 tháng giảm 0,3%/năm và kỳ hạn 24-36 tháng giảm 0,1%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất tại Vietcombank 4,7%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12-18 tháng là 4,6%/năm. So với đầu năm 2024, lãi suất huy động tại Vietcombank đã giảm 0,2%/năm với các kỳ hạn từ 12-24 tháng.
Trong nhóm Big 4, Agribank là ngân hàng niêm yết lãi suất huy động cao nhất so với 3 ngân hàng còn lại, trong khi BIDV và VietinBank có biểu lãi suất huy động khá tương đồng nhau.
Lãi suất tăng mạnh ngân hàng nào?
Trong báo cáo vĩ mô nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết so với cuối năm 2023, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 12 tháng tăng khoảng 0,1 - 0,15%. So với mức lãi suất thấp nhất được ghi nhận vào cuối quý I năm nay, lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng, 9 tháng tăng khoảng 0,9%.
Xét theo nhóm ngân hàng, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ được mức lãi suất thấp từ cuối quý 1 cho đến hết năm, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng này giảm khoảng 0,25% so với đầu năm 2023.
Trong khi đó, việc cạnh tranh lãi suất cũng phân hoá ở các nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, chẳng hạn lãi suất huy động bình quân của nhóm ngân hàng nhỏ (nhóm 3 - ABBank, Nam A Bank, PGBank, VietBank, Bac A Bank, BaoViet Bank, Kienlong Bank, SaiGon Bank, VietA Bank) tăng khoảng 0,3% so với đầu năm.
Nhóm ngân hàng cổ phần tầm trung (nhóm 2 - LPBank, Eximbank, MSB, HDBank, TPBank, VIB, SeaBank, OCB) tăng 0,1% và nhóm ngân hàng cổ phần lớn (nhóm 1 - MB, Techcombank, Sacombank, ACB, VPBank, SHB) tăng 0,2%.
Nhóm ngân hàng 0 đồng và thuộc diện kiểm soát đặc biệt (nhóm 4) cũng có lãi suất huy động tăng bình quân khoảng 0,15% so với đầu năm.
Cũng theo VDSC, tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm nay yếu hơn hẳn 3 năm trước nhưng nhu cầu tín dụng bắt đầu tăng mạnh từ tháng 5/2024. Xu hướng tăng trưởng tín dụng cũng tương đồng với năm trước khi tăng mạnh vào tháng cuối của mỗi quý.
Tính đến 30/11, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm 2023. Trong thông báo mới nhất, tín dụng nền kinh tế đến 7/12 đạt khoảng 12,5%.
“Nếu giữ được xu hướng tăng tương tự tháng 12 của các năm trước, tín dụng cả năm 2024 ước tăng khoảng 16%”, VDSC dự báo.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)