Cuốn theo xu hướng 4.0
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, mô hình kinh tế nền tảng (Platform Economy) chính thức thâm nhập và có xu hướng phát triển khá nhanh tại Việt Nam, tiếp cận hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, dịch vụ, chăm sóc sức khoẻ, cung ứng lao động,... Có thể hiểu kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế và xã hội dựa trên các hạ tầng nhất định và thường được hiểu là các hạ tầng kỹ thuật số, giúp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm được các chi phí giao dịch trung gian, thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa mới dựa trên nền tảng sáng tạo sẵn có.
Với những lợi ích của mình, kinh tế nền tảng nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ từ người dùng và các DN. Đánh giá về tác động của kinh tế nền tảng tới Việt Nam, các chuyên gia cũng cho rằng: Cách mạng Công nghệ 4.0 đã trở thành xu hướng, có khả năng dẫn dắt tạo ra tác động lớn nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Việt Nam đang đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ.
Mặc dù vậy, do mới bắt đầu tiếp cận và còn khá bỡ ngỡ, nên bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng đối diện với khá nhiều thách thức. Đơn cử trong lĩnh vực thương mại điện tử, các hoạt động bán hàng, kinh doanh online đang khiến các nhà quản lý đau đầu trong câu chuyện thu thuế. Thương mại điện tử đem lại sự thuận lợi cho người dùng và kích thích tiêu dùng khi khách hàng có thể mua sắm từ bất kỳ đâu. Tuy nhiên chính điều này lại gây khó khăn với các cơ quan quản lý do giao dịch thương mại điện tử khó nhận dạng, khó kiểm chứng thông tin và khó truy thu thuế. Các hình thức thu thuế đối với kinh doanh online hiện nay vẫn chỉ phụ thuộc và sự tự giác của chủ cửa hàng mà chưa có hình thức gì để truy thu thuế hiệu quả.
Thế giới không đợi chúng ta
Đối diện với những thách thức khi tiếp cận với kinh tế nền tảng, kinh tế số, giới chuyên gia nhận định, là do chúng ta đang bị chậm so với sự phát triển nhanh và mạnh của sự chuyển đổi số, của kinh tế nền tảng.
“Mặc dù những năm qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để thích nghi với sự phát triển của kinh tế thế giới, khoa học công nghệ như: chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách các thủ tục hành chính.... Tuy nhiên, sự chuyển đổi này vẫn quá chậm chạp. Điều này sẽ khiến những vấn đề tiêu cực nảy sinh nhiều hơn, quyền lợi của con người, xã hội và nền kinh tế đều chậm phát triển”, chuyên gia lĩnh vực tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm và kiến nghị: Chúng ta cần phải vận động nhanh hơn trong sự chuyển đổi số, vì thế giới không đợi chúng ta. Chậm, chúng ta sẽ bị tụt hậu
Thực tế, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế nền tảng với sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, kinh doanh hoàn toàn mới đang khiến việc hoạch định chính sách lâm vào thế khó. “Họ lúng túng trong việc định danh và quản lý những hoạt động kinh tế này. Sự ra đời của của hình thức vận tải mới là Grab và Uber khiến các cơ quan quản lý không khỏi bối rối và “đau đầu”, PGS.TS. Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh thêm.
Không thể phủ nhận, trong thời kỳ chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế nền tảng đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia. Khi các mô hình kinh tế mới xuất hiện sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, giao tiếp... Sự chuyển đổi này tạo cơ hội cho Việt Nam hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra: Để phát huy tối đa các điều kiện nội tại cũng như lợi thế của kinh tế nền tảng để phát triển nền kinh tế một cách bền vững điều đầu tiên cần là thay đổi về mặt chính sách. Theo đó, việc cần làm ngay đó là phải khơi thông “điểm nghẽn” lớn nhất chính là hành lang pháp lý. Khơi thông về chính sách, hành lang pháp lý sẽ thu hút đầu tư công nghệ số trong nhiều lĩnh vực và tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động phát triển DN công nghệ số...
Theo Minh Phương (Đại Đoàn Kết)