Giá thịt lợn tăng phi mã
Khảo sát một vòng quanh các các chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Láng Hạ (Đống Đa) cùng nhiều chợ cóc tại khu vực quận Thanh Xuân… giá thịt lợn leo thang liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà Nguyễn Thị Lan (Chính Kinh, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nếu như trước đây, cầm 100 ngàn ra chợ có thể mua được thịt lợn cùng với nhiều thứ thực phẩm khác, thì nay, 100 ngàn không đủ mua nổi một kg thịt lợn. Theo bà Lan, giá thịt lợn ngoài chợ giờ đã tăng lên đến 150.000 đồng/ kg. Ngày hôm sau lại tăng hơn ngày hôm trước. “Giá leo thang mỗi ngày nên tôi quyết định chuyển sang ăn thịt bò và các loại thịt gia cầm” – bà Lan cho hay.
Theo các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Khương Trung, từ cuối tháng 10 trở lại đây, giá thịt lợn tăng liên tục, song mấy ngày gần đây, giá tăng vọt. Chị Thanh Hoa, tiểu thương tại chợ Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết chỉ vài ngày, giá thịt lợn đã tăng khoảng 20-30 nghìn đồng/kg. Lợn hơi nay đã tăng lên 78.000 đồng/kg, hiện ở chợ giá các loại thịt như mông, vai, ba chỉ… bán ra ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg.
Chị Minh Nghĩa, một tiểu thương tại chợ Cầu Giấy (Quận Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết giá lợn hơi nhập vào hiện tăng theo ngày. “Ngay tại thời điểm này, thịt ba chỉ có giá 125.000 đồng/kg, thịt nạc vai giá 130.000 đồng/kg, thịt nạc mông giá 125.000 đồng/kg, sườn có giá 135.000 đồng/kg... song ngày mai có thể lại tăng tiếp” – chị Nghĩa cho hay.
Khảo sát tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng được điều chỉnh tăng trong mấy ngày qua. Tại siêu thị Vinmart, giá được niêm yết trên 160.000 đồng/kg đối với các loại thịt nạc vai, chân giò, thăn.
Còn tại TPHCM, giá thịt lợn bán ra tại các chợ ở nhiều khu vực vẫn tăng đều. Giá thịt bán lẻ tại chợ Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp) như thịt nạc, thịt chân giò từ 130.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, thịt rọi và ba rọi rút sườn được nhiều nơi bán ra ở mức 160.000 - 190.000 đồng/kg, thậm chí sườn non đều có giá trên 200.000 đồng/kg. Mức giá này theo nhiều tiểu thương tăng 10 - 20% so với giữa tháng 10 và gần gấp đôi so với mức giá trung bình của tháng 6-2019.
Tại cuộc họp do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 18/11, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi có những biến động thất thường, nếu như 4 tháng đầu năm 2019, biểu giá lợn hơi ở mức 36.949 - 44.420 đồng/kg ở miền Bắc và 43.000 - 49.200 đồng ở miền Nam thì từ tháng 5 đến tháng 7, giá lợn hơi giảm sâu đến mức kỷ lục, do người tiêu dùng e ngại dịch tả lợn châu Phi, có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng/kg. Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi tăng dần, hiện giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg.
Cần giải pháp kìm giá
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động. Theo dự báo của cơ quan này, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm do dịch tả lợn châu Phi vẫn không ngừng bùng phát ở nhiều nơi, số lượng tiêu hủy ngày một nhiều, tổng đàn lợn bị giảm mạnh, trong khi người chăn nuôi vẫn đang rất thận trọng với việc tái đàn.
Trước tình hình nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm, giá thịt lợn tăng cao, Bộ Công thương đã có yêu cầu đối với Sở Công thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc lên phương án đảm bảo mặt hàng thịt lợn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu thịt lợn khi có nhu cầu. Đặc biệt, địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các giải pháp nói trên, nhà quản lý cần phải sớm có biện pháp bình ổn giá trên thị trường nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro cho ngành chăn nuôi. Bởi, trên thực tế, giá lợn hơi tăng cao như hiện nay có thể mang lại lợi ích cho những hộ chăn nuôi còn giữ được đàn lợn. Song, về lâu dài sẽ ảnh hưởng lớn đến các hộ chăn nuôi khác. Do nhiều hộ thấy giá lợn hơi cao có tâm lý vội tái đàn, trong khi điều kiện vệ sinh chuồng trại chưa đảm bảo, nên khiến đàn lợn giống rất dễ nhiễm hoặc tái phát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Nhận định thời gian tới, nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ tăng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thì sẽ xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng. Bộ trưởng đề nghị bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thuỷ sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, trên cơ sở an toàn sinh học, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn. Đối với các hộ gia đình, cũng phải phát triển đàn.
“Bộ sẽ nghiên cứu văn bản để hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, kiên quyết không vì thiếu thịt lợn mà tăng đàn, tái đàn ồ ạt” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh và đề nghị ngành Công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết sắp tới.
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Giá lợn thịt một số nơi tăng cao thất thường những ngày qua nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề đã làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong đó, đã có biểu hiện hộ chăn nuôi găm hàng, tiểu thương thổi giá lợn lên cao.
Theo Duy Chung (Đại Đoàn Kết)