Có thể thấy, từ cuối năm 2017, thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc và chững lại cho đến nay thị trường chứng kiến sự sụt giảm cả về nguồn cung và cầu. Số lượng dự án mới ít khiến lượng sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường càng khan hiếm, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền. Hàng loạt dự án trên địa bàn TP.HCM bị ngưng trệ, dừng triển khai do vướng các thủ tục đầu tư xây dựng, đất công hoặc đất hỗn hợp. Đồng thời nhiều doanh nghiệp địa ốc phải “đánh bắt xa bờ” để tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại các tỉnh lẻ khiến dòng tiền cũng chạy về các tỉnh nhiều hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, do thị trường bất động sản thời gian qua gặp khó, nguồn cung sản phẩm nhà ở thiếu hụt, nhiều dự án phải tạm dừng thi công do vướng thủ tục khiến dòng tiền hạn chế vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo ông Đực, việc nhiều dự án căn hộ chung cư “đứng hình” sẽ hạn chế dòng tiền chảy vào phân khúc này nhưng đối với đất nền vùng ven thì vẫn là phân khúc mà nhiều người dân sẽ lựa chọn để “xuống tiền” nắm lấy cơ hội đầu tư.
Còn theo báo cáo mới nhất của HoREA, thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục xu thế bị sụt giảm. Khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, với đà giảm tốc của thị trường bất động sản như hiện nay thì dòng tiền cuối năm ít có khả năng chảy vào bất động sản như những năm trước. “Thời điểm cuối năm là dịp để người dân đón lượng kiều hối về và dòng tiền nhàn rỗi trong dân để đầu tư bất động sản, nhưng năm nay với thị trường ‘èo uột’ và tâm lý nhà đầu tư có phần lo ngại sau khi Công ty Địa ốc Alibaba và Công ty Angle Lina bị cơ quan chức năng ‘sờ gáy’ khiến họ càng mất niềm tin vào thị trường” - ông Châu chia sẻ thêm.
Theo chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh, tín dụng đang được nới lỏng một phần nhưng không dành cho bất động sản nên kênh đầu tư này sẽ không có nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Bản thân các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn về vốn, bắt buộc phải phát hành trái phiếu lãi suất cao có tài sản bảo đảm.
Liên quan đến việc dòng tiền có chảy vào bất động sản dịp cuối năm hay không, chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh cho rằng, với tình hình thị trường như hiện tại thì cũng giống như “chiếc xe đang chạy thì bị đứt xích”. Hơn nữa tâm lý người mua nhà đất cũng e dè hơn khi các dự án liên tục bị khiếu kiện và pháp lý “có vấn đề”. Nhiều nhà đầu tư cá nhân hiện nay tỏ rõ tâm lý ngại đầu tư và chờ thêm một thời gian nữa mới xuống tiền.
Cũng theo ông Chánh: “Nếu không có những chuyển biến tích cực từ những thông tin hỗ trợ thị trường từ Chính phủ và các chính sách nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các biện pháp nhằm tháo gỡ những ách tắc của thị trường bất động sản hiện nay thì tôi cho rằng năm nay sẽ là năm mà nhiều doanh nghiệp địa ốc đón Tết trong sự im lặng và không còn “xôm tụ” như những Tết trước. Đồng thời nếu từ nay đến quý 2/2020 mà chưa có thông tin tích cực gì hỗ trợ thị trường thì tôi e rằng 2020 sẽ là năm mà thị trường bất động sản chứng kiến nhiều doanh nghiệp địa ốc phá sản”.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, thị trường bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư được ưa thích đối với những nhà đầu tư có lượng tiền nhàn rỗi lớn, với tâm lý giá nhà đất chỉ luôn luôn đi lên. Tuy nhiên một khi quả bong bóng bơm quá căng và đổ vỡ, thì thị trường sẽ đi vào giai đoạn đóng băng, mất thanh khoản và có thể sẽ đến thời điểm thị trường thoái trào.
Theo Tấn Lợi (Nguoitieudung.com.vn)