Gần 110 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ USD thu về sau phiên bán đấu giá cạnh tranh vốn Nhà nước vừa qua tại Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã mang tới một không khí mới đầy hứng khởi cho chiến dịch thoái vốn Nhà nước.
Đây là con số khổng lồ so với mức kế hoạch 60 nghìn tỷ đồng thoái vốn Nhà nước trong năm nay, và cũng gần bằng một nửa số nợ phải trả của Việt Nam cho nước ngoài năm 2017.
Việc sử dụng số tiền này sao cho hiệu quả là vấn đề rất đáng lưu ý không chỉ cho trước mắt mà còn là gợi mở quan trọng cho quá trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước đang được đẩy mạnh hiện nay.
Cùng đó, một câu hỏi được đặt ra trong thời gian gần đây, là liệu chúng ta có cần phải lo ngại rằng Việt Nam sẽ mất hết các thương hiệu Việt khi các tỷ phú nước ngoài tham gia thâu tóm hay không?
Chương trình Góc nhìn thẳng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến ngay sau sự thành công của thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco.
- Thưa ông, trong bối cảnh việc thoái vốn Nhà nước thường bị chê là chậm chạp, ì ạch, ông có nhận định như thế nào về con số 5 tỷ USD thu về sau thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco thời gian vừa qua?
- Trên thực tế, đúng là quá trình thoái vốn Nhà nước của chúng ta trong những tháng đầu năm 2017 bị chậm. Tuy nhiên, vấn đề thoái vốn ở Sabeco cũng nằm trong kế hoạch của Chính phủ trong năm nay. Chính vì thế, việc chúng ta cán đích được của thương vụ Sabeco cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như quyết tâm của Bộ Công Thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước của Sabeco.
5 tỷ USD sẽ được nộp vào Quỹ sắp xếp cổ phần hóa đặt tại Bộ Tài chính theo quy định mới của Chính phủ và đặt tại Kho bạc Nhà nước. Với khó khăn ngân sách hiện nay thì nguồn lực như vậy rất là quý, do đó việc sử dụng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Nhìn rộng ra với hàng chục nghìn tỷ đồng thu được từ việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, cho đến nay, số tiền này đã được sử dụng như thế nào và hiệu quả đến đâu, thưa ông?
- Theo quy định hiện hành, khoản tiền này sẽ được sử dụng để chi cho đầu tư của Ngân sách Nhà nước. Theo Nghị quyết của Quốc hội đã phê duyệt số 25 và 26, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, chúng ta sẽ tiến hành thu từ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là 250 nghìn tỷ. Con số 110 nghìn tỷ thu được của Sabeco là một con số đáng kể để góp vào nửa chặng đường mà Quốc hội giao.
Số vốn trước đây chúng ta có được thì Quốc hội đã quyết định dành 30 nghìn tỷ cho năm 2016 và sử dụng cho mục tiêu là làm các bệnh viện ở những nơi trọng điểm ở TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương. Đồng thời, phục vụ cho việc hỗ trợ các dự án chống ngập ở TP.HCM và chi cho nông nghiệp nông thôn mới.
Theo kế hoạch, 60 nghìn tỷ của năm 2017 sẽ được sử dụng từ nguồn thu này và năm 2018 thì Quốc hội đã phê duyệt khoảng 65 nghìn tỷ.
Chính vì thế, nguồn thu này đã được Quốc hội phê duyệt trong danh mục đầu tư công. Danh mục đầu tư công sẽ được thông qua kế hoạch 5 năm và Chính phủ sẽ tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
-Vâng thưa ông, quy định là như vậy nhưng vẫn có ý kiến lo ngại rằng với một con số vốn khổng lồ, đặt trong bối cảnh Việt Nam đang nợ công rất lớn, ngân sách Trung ương vài năm trở lại đây thường xuyên đứng trước nguy cơ bị hụt thu, có khi nào Bộ Tài chính chuyển sử dụng khoản tiền này cho nghĩa vụ trả nợ công hay bù cho ngân sách Trung ương?
- Không, sẽ không có việc này. Chúng ta thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quốc hội thông qua Nghị quyết đó như là pháp lệnh rồi, những nội dung này đã được quy định cụ thể và đã được phân bổ rõ theo danh mục đầu tư công theo Luật Đầu tư công của các công trình.
Những công trình này phục vụ cho vấn đề hạ tầng, an sinh xã hội mà Nhà nước phải đứng ra làm để khai thông. Còn các dự án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì Chính phủ sẽ hạn chế bảo lãnh theo quy định pháp luật quản lý công, nợ công mới thì chúng ta sẽ không bảo lãnh nữa, các doanh nghiệp phải tự huy động trên cơ sở tái cơ cấu, minh bạch thông tin để huy động vốn.
Chính vì thế, nguồn lực này đã có mục đích, đã có địa chỉ cụ thể, đã được Quốc hội phê duyệt nên chúng ta có thể yên tâm vì Quốc hội sẽ giám sát vấn đề này và thực hiện theo quy định của pháp luật.
- Vâng, vậy ông có thể đánh giá sơ bộ hiệu quả của các nguồn vốn này được không?
- Chúng ta có thể thấy những bệnh viện mới với thương hiệu của Bạch Mai hay của viện K đã được xây dựng ở vùng Hà Nam trên đường cao tốc hay ở TP.HCM là bệnh viện Chợ Rẫy, đấy là những bệnh viện sắp sửa khánh thành. Từ đó, có thể tạo nên cơ sở hạ tầng để chăm sóc y tế cho người dân trong khu vực, vùng, tốt hơn.
Thứ hai là những nội dung chi cho chống ngập tại TP.HCM thì chúng ta có thể thấy TP.HCM cũng đã có những công trình lớn để chống ngập. Đó là những công trình cụ thể bằng mắt thường chúng ta có thể thấy được.
- Thưa ông, ngoài Sabeco, thời gian tới Nhà nước cũng bán vốn ở rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước khác có thương hiệu hấp dẫn. Vậy xin ông cho biết với tiềm năng như vậy thì Chính phủ sẽ giám sát việc sử dụng tiền bán vốn Nhà nước như thế nào cho thật minh bạch và hiệu quả?
- Như chúng tôi đã nói, những đồng vốn này đã được lên kế hoạch và Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết, trong Nghị quyết đấy cũng giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính phải giám sát những đồng vốn này, sử dụng theo đúng quy định là chi cho vốn đầu tư, không sử dụng để chi thường xuyên cho các mục đích khác.
Từng công trình một đã được Quốc hội phê duyệt và phần vốn đã được phân bổ, kế hoạch phần bổ vốn đã có và đây là chúng ta tạo ra nguồn để thực hiện kế hoạch đã được phân bổ.
Khi kế hoạch đã được phân bổ rồi thì thực hiện theo luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, mọi đầu tư sẽ được kiểm soát chi ở kho bạc, kiểm toán Nhà nước, thanh tra Chính phủ sẽ giám sát và Chính phủ cũng như bô ngành sẽ giám sát việc triển khai thực hiện dự án này.
Có thể nói rằng khuôn khổ pháp lý đã có, danh mục đầu tư đã có, việc thoái vốn chỉ là việc chúng ta thu xếp nguồn đầu tư công đã được Quốc hội phê duyệt. Việc này sẽ được đảm bảo chặt chẽ, định kỳ Quốc hội sẽ giám sát và HĐND các tỉnh nếu có dự án thì cũng sẽ giám sát.
- Thưa ông, sau thành công ở thương vụ thoái vốn Nhà nước ở Sabeco, cũng có rất nhiều băn khoăn và tiếc nuối khi một thương hiệu doanh nghiệp mạnh như vậy của Nhà nước cuối cùng lại rơi vào tay của doanh nghiệp nước ngoài. Vậy cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Sự thành công của thương vụ đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ và chúng ta kiên trì theo việc một thương vụ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật công khai minh bạch. Vì chúng ta công khai minh bạch như vậy nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có cơ hội để tiếp cận.
Tất nhiên trong cuộc chơi thì ai trả giá cao hơn thì người đó được, ai có tiềm lực hơn thì mới mua được.
Chính phủ Việt Nam đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, không phân biệt các nhà đầu tư ở đâu cả, các nhà đầu tư trong nước mà làm được thì chúng tôi khuyến khích. Chúng tôi có cả cơ chế khởi nghiệp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, đối với những thương vụ lớn như thế này thì đòi hỏi phải là người có tiềm lực thì mới có thể mua được và người ta mới mua với giá cao như thế này.
Còn việc tiếc nuối thì rõ ràng trong vấn đề này, Chính phủ cũng giao cho Bộ Công thương đề nghị nhà đầu tư phải cam kết giữ thương hiệu Việt vì đây là thương hiệu của quốc gia. Do đó, việc nhà đầu tư có vi phạm hay không thì rõ ràng họ đã cam kết rồi nên họ phải thực hiện. Nếu họ làm sai thì họ sẽ bị xử phạt như trong cam kết.
Về nhà đầu tư của Việt Nam thì chúng tôi đã nói, ở trong nước mình có rất nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn có thể tham gia thương vụ này, nhưng cái chính là nghề của họ có đúng là kinh doanh bia hay không để tham gia vì cái chính là chúng ta vào để kinh doanh bia, để giúp ngành bia phát triển hơn, có những nhà đầu tư có thể làm bất động sản rất tốt, tỷ phú của Việt Nam nhưng nếu họ không giỏi về bia thì cũng không thể tham gia được.
Do đó, với một cuộc cạnh tranh như thế này, một thương vụ thực hiện theo cơ chế thị trường, được giám sát bởi các bộ ngành thì nó đã đúng với quy đinh của pháp luật rồi.
Rõ ràng chúng ta phải chấp nhận, còn tiếc nuối thì ai cũng tiếc nuối. Nhưng tiếc nuối phải gắn với sự phát triển, nêu chúng ta tiếc nuối mà ôm cái cũ để trì trệ không phát triển thì chúng ta cũng không làm được gì cho đất nước nên chúng ta cũng phải chập nhận, phải kêu gọi các nhà đầu tư. Nhất là hiện nay chúng ta đang thiếu nguồn lực. Sau thương cụ bia này sẽ tạo cho thị trường vốn của Việt Nam phát triển tốt hơn.
Khi đó các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường với giá rẻ hơn sẽ giảm bớt ganh nặng khi chúng ta phải huy động các nhà thương mại. Đấy là một tiềm năng, một định hương phát triển tương đối tốt. Chúng tôi nghĩ rằng nó tạo ra những xung lực mới cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam
Theo Phạm Huyền (VietNamNet)