Tuy nhiên, không ít chuyên gia cảnh báo chúng ta đang cổ phần hóa bằng mọi giá khi bán đi những thương hiệu Việt tốt nhất.
Thành công ngoài mong đợi
Ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng xét ở góc độ kinh tế, thương vụ này rõ ràng rất thành công vì nhà nước bán được cao hơn giá dự kiến, ngay sau đó cổ phiếu đã quay đầu giảm giá khiến nhà đầu tư lập tức mất hơn 3.900 tỉ đồng. Trả lời Thanh Niên hôm qua (19.12), ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cũng tỏ ra rất hài lòng khi bán được giá rất cao. "Khi cổ phiếu của Sabeco lên sàn là 106.000 đồng/cổ phiếu, đến hôm 18.12 là 309.000 đồng, nhưng chúng ta vẫn bán được giá 320.000 đồng là rất thành công, vốn thặng dư lên đến 3.000 tỉ đồng", ông Hoài nói.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), cũng khẳng định: "Ít nhất thương vụ Sabeco hết sức thành công về mặt thoái vốn nhà nước và nguồn tiền thu được". Dù vậy, ông Trung cho rằng việc bán vốn Sabeco được thực hiện theo kế hoạch, chứ không có bất ngờ nào. "Có điều, nếu có đấu giá như một sự cạnh tranh công khai, có nhiều nhà đầu tư tham gia hơn, thì sẽ thuyết phục hơn", ông Trung nói.
Quản lý trong tay nhiều doanh nghiệp (DN) lớn tiếp tục thoái vốn trong năm 2018, ông Hoài nhấn mạnh thành công của thương vụ Sabeco cho thấy nguyên tắc công khai minh bạch, thu về lợi nhuận cao nhất đã được thực hiện một cách triệt để. Đó cũng là tiền đề tốt để các “ông lớn” của ngành này đẩy nhanh hơn tiến trình thoái vốn, trước hết là tại Tổng công ty cổ phần bia rượu Hà Nội (Habeco) và Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex).
Những thương vụ tỉ đô sắp "bùng nổ"
TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM, chỉ ra rằng tại thời điểm tháng 6.2017, có 443 DN niêm yết còn cổ phần nhà nước (không tính công ty con cấp 2), chiếm 61% tổng số DN niêm yết trên sàn HNX và HSX (không tính sàn UPCoM). Cổ phần nhà nước chiếm 24% tổng số cổ phần đang lưu hành của toàn bộ DN niêm yết. Nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước tại các DN niêm yết theo giá thị trường tại thời điểm tháng 7, có thể thu hồi 587.300 tỉ đồng (theo mệnh giá là 155.600 tỉ đồng). Với nguồn lực này, nhà nước có thể thực hiện mục tiêu tập trung tối đa vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; thu hút nguồn lực ngoài xã hội để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Sau 7 năm vận động “Ưu tiên dùng hàng Việt” thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để... bán?
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng VN chất lượng cao
Ngoài Habeco đang đi đến những thủ tục thoái vốn cuối cùng thì trong năm 2018 tới, hàng loạt cái tên "hot" khác cũng rất được chờ đợi và dự kiến nhà nước sẽ thu về tiếp hàng tỉ USD. Năm 2018, theo lộ trình, nhà nước mà đại diện là Bộ Công thương, sẽ tiến hành bán 24,86% vốn tại Petrolimex. Gần 8 tháng kể từ khi lên sàn, cổ phiếu của Petrolimex đã tăng tới gần 50%, từ mức giá khởi điểm 43.200 đồng/cổ phiếu lên 64.800 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 14.12. Giá trị phần vốn nhà nước tại “ông lớn” xăng dầu này cũng tăng từ 42.408 tỉ đồng lên 63.613 tỉ đồng, tương đương tăng trên 21.000 tỉ đồng, nghĩa là gần 1 tỉ USD, một con số rất ấn tượng.
Một "gà đẻ trứng vàng" khác là Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV). Nếu xét từ khi lên sàn UPCoM vào tháng 11.2016 đến nay, cổ phiếu ACV đã tăng gần 3,5 lần, từ mức giá khởi điểm 25.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị phần vốn nhà nước đã tăng tới 127.733 tỉ đồng (trên 5,6 tỉ USD), từ 51.923 tỉ đồng lên 179.656 tỉ đồng. Năm 2018, nhà nước sẽ bán tới 20% vốn tại ACV và ban đầu dự tính bán cho tập đoàn Pháp Aéroports de Paris theo dạng đối tác chiến lược. Đến nay, việc đàm phán chưa đi đến thỏa thuận nào, nhưng rõ ràng đây sẽ là một trong những thương vụ thoái vốn nhà nước vào loại lớn nhất năm tới.
Chia sẻ với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, cho biết sau Vinamilk đến thương vụ thoái vốn Sabeco thành công là cú hích tích cực đối với thị trường cũng như các DNNN sẽ tiếp tục cổ phần hóa trong thời gian tới. Một tín hiệu khác là chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để DN thoái vốn, cổ phần hóa, cung gặp cầu.
Nên ưu tiên cho các doanh nghiệp nội
Mặc dù những thương vụ như Sabeco và trước đó là Vinamilk đã rất thành công trong thoái vốn, song cũng không ít ý kiến lo ngại việc chúng ta đang bán đi những thương hiệu quốc gia tốt nhất của mình.
Đồng tình rằng phải thoái vốn ở những lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, song theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng VN chất lượng cao, liệu nhà nước có nhất thiết phải bán bằng được cho nhà đầu tư ngoại chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước vì họ ít tiền hơn. “Bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia liệu có cần cân nhắc? Sau 7 năm vận động “Ưu tiên dùng hàng Việt” thì nay những thương hiệu Việt mạnh nhất lại muốn đem bán hết, phải chăng vận động cho mạnh để... bán?”, bà Hạnh đặt hàng loạt câu hỏi.
Dẫn câu chuyện của Sabeco, DN đang chiếm tới 41% thị phần bia nội để đánh giá rằng đây là một trong những thương hiệu mạnh nhất về hàng tiêu dùng nội, bà Kim Hạnh cho rằng nên cân nhắc kỹ giữa những khoản tiền thu vội với giá trị lâu bền trong tương lai. "Vì sao ta không nghiên cứu bước đi của các nước ASEAN khác, đều đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho DN xứ họ đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới", bà Hạnh trăn trở.
Ông Phan Đăng Tuất, người từng nhiều năm gắn bó với Sabeco trên cương vị chủ tịch, nói với PV Thanh Niên rằng ông vẫn giữ quan điểm ưu tiên bán cho các DN nội dù giá có thấp hơn. Nhắc lại những thương hiệu một thời như Dạ Lan, Tribeco, ông Tuất nhấn mạnh: "Tôi đã nói cả trong hội nghị Chính phủ, là cổ phần hóa không phải bán đi lấy tiền bằng mọi giá mà làm sao để thay đổi phương thức quản lý, nâng cao quản lý để hiệu quả hơn, nhà nước không còn bận tâm đi sản xuất".
Theo ông, việc bán cho người Việt có thể giá thấp hơn nhưng lợi nhuận DN thu được còn ở đây, được sử dụng để tái đầu tư cho nền kinh tế và điều quan trọng là thương hiệu đó sẽ còn được giữ mãi. "Còn bán cho nước ngoài thì lợi nhuận mang về nước, và 5 - 7 năm sau không chắc rằng Bia Sài Gòn sẽ còn là thương hiệu hay chỉ là một nhãn hiệu của ThaiBev", ông Tuất chia sẻ.
Về những lo ngại khi thoái vốn DN Việt sẽ rơi vào tay nước ngoài, mất thương hiệu đã gây dựng từ nhiều năm nay, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ, và nhà đầu tư khi mua Sabeco phải cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì không nên hạn chế. “Dư luận cũng đặt ra một số vấn đề nhưng nếu đọc kỹ quy chế, phương án đấu giá sẽ thấy chúng ta đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của DN”, ông Tiến nói.
Theo Chí Hiếu - Hân Vũ - Anh Vũ (Thanh Niên Online)