Charoen Sirivadhanabhakdi là ai?
Ông Charoen Sirivadhanabhakdi là con thứ sáu trong gia đình có 11 anh chị em. Cha mẹ ông di cư từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang Bangkok từ trước khi ông chào đời (năm 1944). Cả gia đình đông đúc sống nhờ vào gánh hàng rong ở khu phố người Hoa tại Bangkok và ông Charoen từ nhỏ đã phải bỏ học để đi làm phụ đỡ cha mẹ. Ông chen chân vào ngành chế biến và sản xuất rượu khi chính quyền Thái bắt đầu tự do hóa ngành này. Thành công đến liên tục và đến giữa những năm 1980, ông kiểm soát hoàn toàn thị trường rượu nội địa giá rẻ, theo BBC.
Ông Charoen sau đó lấn sân sang ngành bất động sản và các lĩnh vực khác như mía đường, ngân hàng, bảo hiểm. Công ty bất động sản TCC Land của ông sở hữu nhiều khách sạn, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn tại Mỹ, Singapore, Úc.
Năm 1991, ông bắt tay với hãng bia Carlsberg của Đan Mạch để xâm nhập thị trường bia đang trỗi dậy tại Thái. Đến năm 1995, ông đứng ra để lập riêng thương hiệu bia Chang và chiếm 60% thị trường nội địa 5 năm sau đó.
Năm 2005, ông kết hợp toàn bộ hoạt động kinh doanh bia rượu về chung một cái tên duy nhất là Thai Bev và thông báo đưa công ty lên sàn giao dịch chứng khoán Bangkok. Tuy nhiên, bước đi này hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội của những nhà sư và nhà hoạt động chống bia rượu tại Thái Lan khiến công ty này sau đó phải chuyển sang sàn chứng khoán tại Singapore. Năm 2012, ông vươn tay sang thị trường Singapore khi mua lại 22% cổ phần hãng đồ uống và bất động sản Fraser & Neave để rồi một năm sau đó kiểm soát toàn bộ công ty này với 11,2 tỉ USD.
Trong thời gian qua, đế chế của Charoen liên tục mở rộng bằng các hợp đồng như mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Thái Lan của nhà bán lẻ Pháp Casino SA với giá 3,46 tỉ USD năm 2016, mua tổng cộng 75% cổ phần của 2 hãng sản xuất rượu lớn tại Myanmar với giá 742 triệu USD hồi tháng 10.
Theo Forbes, ông Charoen đứng thứ hai trong số 50 người giàu nhất Thái Lan năm 2017 với khối tài sản 15,4 tỉ USD, trong khi đó trên bảng xếp hạng thế giới, ông xếp thứ 62. Còn theo số liệu của Bloomberg, nhà sáng lập kiêm chủ tịch tập đoàn đồ uống và bất động sản TCC (công ty mẹ của Thai Bev) có 17,4 tỉ USD và giàu thứ 59 thế giới.
Hiện Tập đoàn TCC có hơn 60.000 nhân viên và Thai Bev là công ty đồ uống lớn nhất tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, ông Charoen cũng sở hữu công ty đa ngành Berli Jucker (chuyên về bao bì, tiêu dùng, y tế, kỹ thuật...) và công ty chuyên về bất động sản TCC Land.
Cả 5 người con của ông từ nhỏ đã được giáo dục cẩn thận và được cho du học nước ngoài. Hiện nay, các con ông nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy kinh doanh của gia đình.
Thương vụSabeco diễn ra như thế nào?
Tại phiên đấu giá ngày 18.12, Bộ Công thương Việt Nam bán thành công hơn 343 triệu cổ phần (tương đương 53,59% vốn điều lệ) của Tổng công ty cổ phần bia – rượu – nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho Công ty TNHH Vietnam Beverage, một nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, đứng sau hợp đồng trị giá gần 5 tỉ USD lần này thực chất là đế chế kinh doanh của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Theo quy định, tỷ lệ cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tại Sabeco tối đa là 49%. Trong khi đó, hiện nay 10% cổ phần Sabeco đã đã được các nhà đầu tư này sở hữu. Tuy vậy, tỉ phú Thái Lan đã mua được 53,59% cổ phần lần này bằng một con đường lắt léo hơn.
Cụ thể, đơn vị sở hữu Vietnam Beverage là F&B Alliance Vietnam. Công ty này có 51% vốn cá nhân và 49% vốn của BeerCo Limited (trụ sở tại Hồng Kông và thuộc quyền sở hữu của Thai Bev do ông Charoen sáng lập và làm Chủ tịch). Như vậy, tỉ phú Charoen đã gián tiếp thông qua pháp nhân Việt Nam để có thể hợp thức hóa việc mua cổ phần tại Sabeco.
Việc mua lại cổ phần của Sabeco được coi là một bước tiến lớn của ông Charoen, một trong số những ông lớn của thị trường nước giải khát, bia rượu tại Đông Nam Á. Tại Thái Lan, thương hiệu bia Chang của ông đang chiếm lĩnh thị trường cũng như công ty Fraser & Neave tại Singapore, theo Reuters. Với Sabeco, ông Charoen một lần nữa bành trướng hoạt động kinh doanh ra khỏi thị trường nội địa Thái Lan.
Tỉ phú Charoen không phải là cái tên xa lạ tại Việt Nam. Thông qua các công ty con, ông Charoen đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ bán lẻ, thực phẩm cho đến bất động sản... Năm 2015, TCC Holdings thuộc tập đoàn TCC của tỉ phú Thái mua lại Metro Cash & Carry tại Việt Nam bằng 706 triệu USD.
Một đơn vị thành viên khác của TCC Holdings là Berli Jucker cũng đã thâu tóm Phú Thái Group, một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng, từ năm 2013. Trong khi đó, Fraser & Neave hiện sở hữu đến 19% cổ phần trong Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Theo Bảo Vinh (Thanh Niên Online)