Ngạc nhiên thay tôi nghe những điều đó ngay cả khi Bộ Công thương và cơ quan quản lý ở TP này lại khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi!
Điều bất ngờ đến ngỡ ngàng ấy chỉ “lắng dịu” xuống hai hôm nay khi Sở Công thương TP.HCM thừa nhận rau củ quả và trứng gia cầm đang thiếu! Chuyện tréo ngoe đó càng bị những hóa đơn ghi rõ ràng giá nhiều loại hàng tăng 30, thậm chí 50% được trưng ra trước bàn dân thiên hạ.
Đã bao giờ mỗi người vào siêu thị chỉ được mua 1-2 vỉ trứng như chính tôi buộc phải thế sáng ngày hôm qua? Có khi nào trái ớt, bó hành, mớ rau... lại chẳng dễ mua và tăng nhiều như vậy?
Mấy ngày trước, đâu có thiếu những hình ảnh dòng người xếp hàng dài dằng dặc trước cửa các siêu thị chỉ để mua quả trứng, bó rau, thùng mì! Cũng chẳng hề lạ lẫm những quầy hàng trống rỗng, siêu thị khan hàng và giá vẫn cao ngất ngưởng.
Những ngày này, người ở TP lớn nhất nước trân quý từng mớ rau, con cá, quả bầu... của bà con cách Sài Gòn cả ngàn km đang gói ghém, gom góp chút một gửi vào cho chúng tôi trong này. “Của một đồng công một nén” và chất chứa mang theo nhiều tấm lòng. Dân giúp nhau mỗi khi hoạn nạn luôn là một hồng phúc của quốc gia và niềm vui trong khó khăn thế này của dân tộc.
Nhưng xung quanh Sài Gòn, chỉ cần ra ngoại thành và bên Long An, dưới Bà Rịa - Vũng Tàu và cả trên Lâm Đồng, có nơi rau củ quả phải cắt, dập bỏ vì không tiêu thụ được do vận chuyển quá khó khăn, chốt chặn rắc rối, thủ tục nhiêu khê, xét nghiệm mệt mỏi... Còn ngay trong nội thành thì có lúc bó hành, mớ rau, trái ớt… lại biến thành “sản vật, của hiếm”! Khan hàng đi kèm với tăng giá và những hứa hẹn bình ổn dường như chỉ trên giấy.
Siêu thị này, chuỗi cửa hàng kia có thể viện vô vàn lý do nào đó để biện minh cho việc tăng giá, thiếu hàng nhưng họ và cả những người để xảy ra như thế nghĩ gì về những chuyến xe rau củ 0 đồng ùn ùn đi vào TP phát tặng bà con hay quầy rau miễn phí ai cần thì lấy?.
Trong tình cảnh như thế thì anh Minh bán rau luôn tặng rau, củ quả miễn phí cho người nghèo nổi danh cả Đồng Nai lẫn Sài Gòn không có gì lạ. Khi bị bạn hàng nhắn tin chê là ngu dại, khoe họ vẫn đang thu lời 5-10 triệu đồng/ngày với lời chế giễu: “Mấy tuần nay, tụi tao hốt bạc Minh ơi. Ngày lời 5-10 triệu bình thường, mày ngu lắm…”, đáp lại, anh Minh chỉ nhắn: “Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu. Ừ tao nghỉ đây, bán vừa giá thôi”.
Giá mà những nơi kẻ bảng, treo băng rôn “Khách hàng là thượng đế” cũng nghĩ như anh Minh, cũng dành phần hàng nào đó để giám giá và có thể tặng thêm chia sẻ với bà con thì những ngột ngạt trong mùa dịch bệnh sẽ trở nên nhẹ nhõm biết bao! Còn giờ đây, nỗi lo hàng hóa sẽ thế nào, rau củ sẽ ra sao vẫn chực chờ khi mà không ít nhà cung cấp vẫn có dấu hiệu “tát nước theo mưa” và tìm lợi nhuận ngay lúc lẽ ra không nên làm.
Chỉ cần Bộ Công thương cùng các ngành liên quan ngồi lại với nhau, tìm cho ra mắc chỗ nào, kẹt ở đâu rồi mở cho thông suốt là TP.HCM không thiếu thực phẩm, rau củ quả. Hay là còn lý do nào khác tôi chưa biết? Từ 0g ngày 19/7, bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh thành phía Nam tình hình có lẽ sẽ còn nhiều khó khăn hơn và nếu tiếp tục thế này, đó là điều khó chấp nhận!.
Tối 17/7, chỉ vài giờ trước khi Chỉ thị 16 có hiệu lực khắp miền Nam, Bộ trưởng Công thương và Giao thông vận tải lên tiếng trên VTV sẽ có những biện pháp để xe thông, hàng thoáng và giá cả ổn định, hàng hóa bình thường.
Hy vọng những điều đó sẽ được cấp dưới của họ và những tỉnh thành liên quan thực thi hiệu quả để quầy kệ chẳng còn trống rỗng, giá cả không chỉ ổn định trên…tivi và những bức xúc lắng dịu dần, đời sống người dân bớt khó khăn hơn. Dẫu thế nào thì những điều thuận trên vừa lòng dưới, hài hòa với người dân vẫn luôn là điều được mong chờ, hy vọng và tán thưởng nhất.
Theo Hà Phan (VietNamNet)