Tp.HCM và các tỉnh phía Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Ngày 9/7, Tp.HCM bắt đầu bước vào giai đoạn chống dịch mới quyết liệt hơn, toàn thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa, hạn chế tối đa việc đi lại, dịch vụ giao đồ ăn online cũng được yêu cầu tạm dừng để đảm bảo an toàn chống dịch. Điều này vô hình trung gây nên tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với việc người dân ồ ạt đi tích trữ lương thực, thực phẩm đã khiến cho hệ thống các siêu thị đối mặt với tình trạng quá tải.
Những ngày đầu giãn cách, nhiều người dân phải xếp hàng chờ vài tiếng đồng hồ để vào siêu thị nhưng cũng hết hàng tạm thời, trong khi đó giá bán rau củ, lương thực tại chợ mạng thì tăng đột biến.
Tuy nhiên, đây cũng là lúc người ta thấy nhiều nghĩa cử cao đẹp, những phương án cấp tốc được các cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra, nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn nhu yếu phẩm.
Vài ngày trở lại đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh "ông chú" bán rau Minh Râu tại Biên Hoà (Đồng Nai) với những tấm biển từ bìa carton độc đáo và dễ thương. Anh dành riêng một quầy rau miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên nghèo. Dịch bệnh kéo đến, hàng hoá khan hiếm nhưng Minh Râu vẫn bán hàng giá bình ổn. Bị bạn chửi "ngu" vì không biết tận dụng thời cơ để tăng giá bán, kiếm lời nhưng nhưng "ông chú" chỉ nhẹ nhàng đáp: "Kiếm tiền cả đời mà chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này đâu...Ừ tao... Tao nghỉ đây... bán giá vừa thôi...". Hành động của một cá nhân, một hộ kinh doanh cá thể đủ để khiến các ông chủ lớn phải suy ngẫm trong thời dịch bệnh.
Và không chỉ Minh Râu mới cho chúng ta thấy nghĩa cử đẹp đẽ của tình người, tình đồng bào giữa lúc khó khăn. Ngày 13/7, gần ngàn hộp muối sả và hơn 100kg rau, củ quả của nhóm bạn trẻ và những nông dân vùng đầm phá Tam Giang, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế) gom góp đã được gửi theo xe khách vào tặng cho những người làm bốc vác đang tá túc tại các phòng trọ ở TP Hồ Chí Minh.
Tương tự, hơn 2 ngày qua, nhóm thiện nguyện ATM Gạo Huế kết hợp với Trường Đại học Luật (Đại học Huế) cùng các nhà hảo tâm chung tay góp sức để chế biến hơn 10.000 hộp ruốc, gửi tặng người dân Sài Gòn đang gặp khó khăn trong cơn đại dịch. Đây là món ăn tiện lợi cho việc sử dụng, có thể ăn ngay với cơm trắng mà không phải mất thời gian chế biến lại và có thể để được lâu không sợ bị hư hỏng.
Ở Nghệ An, từ sáng sớm, cụ Nguyễn Thị Ty - 85 tuổi, ra vườn hái 5 ký chanh rồi nhờ con chở ra điểm tập kết nhà văn hóa thôn ủng hộ bà con Sài Gòn đang gặp khó khăn trong thời gian cách ly, phong tỏa. "Nghe báo đài đưa tin, tôi biết ở Sài Gòn dịch bệnh đang phức tạp, nhiều nơi bị phong tỏa, thiếu nguồn thực phẩm, rau xanh. Hôm qua, nghe xã vận động ủng hộ rau nên hôm nay dậy sớm để hái chanh gửi vô cho bà con", cụ nói.
Trong khi đó, chị em phụ nữ tập hợp tại Khu bếp ăn Trường tiểu học Nghi Hải, thị xã Cửa Lò để rang lạc, chiên cá, đóng hộp. Nắng nóng nhưng ai cũng làm việc rất khẩn trương với hy vọng những hộp cá cơm khô kịp chuyển vào hỗ trợ người dân TP.HCM trong những ngày tới.
Hay tại Đà Lạt, Đắk Lắk, Đắk Nông, những "biệt đội cắt rau" được gấp rút thành lập để cùng nhau gom góp rau xanh, củ, quả và thực phẩm thiết yếu gửi tặng Tp.HCM. Trong đó, thậm chí có người tặng cả vườn củ cải rộng hơn 2,5ha với sản lượng 60-70 tấn.
"Nếu bán với giá khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg thì cũng thu hồi vốn nhưng tiền mình có thể kiếm sau này, còn bây giờ, người lao động nghèo ở TP HCM đang gặp khó, mình phải giúp. Tôi nghĩ trong thời điểm này, ai có điều kiện gì thì ủng hộ đó, tôi chỉ có vườn củ cải này là giá trị nhất", ông chủ vườn củ cải bày tỏ.
Giữa lúc các siêu thị vẫn còn quá tải, UBND phường Tân Tân Hưng Thuận (quận 12, Tp.HCM) đã tự kết nối với tiểu thương để lập điểm bán thực phẩm thiết yếu, giá bình ổn cho người dân. Các doanh nghiệp bán lẻ, logistic như Con Cưng, Guardian, Vietnam Post, Nhất Tín Logistic thì gấp rút "xắn tay", thiết lập các điểm bán, giao hàng thiết yếu với giá bình ổn. Chuỗi siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như BigC, Aeon Mall cũng đồng loạt tuyên bố cung cấp đầy đủ hàng hoá và bán giá hợp lý, đồng thời tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng cho người dân thành phố.
Có thể thấy, lúc khó khăn là thời điểm mà tình đồng bào và truyền thống "bầu bí thương nhau" được bộc lộ rõ ràng nhất. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ được không ít người lợi dụng để gom hàng đầu cơ, đem đi bán với giá "cắt cổ". Hay như vài ngày qua, nhiều người dùng phản ánh việc tăng giá bất thường của một số đơn vị kinh doanh hàng thiết yếu - thay vì bán giá bình ổn.
Cao điểm trong làn sóng phản ứng là một video trên mạng xã hội. Chị này livestream và bức xúc khi mua củ gừng giá 21.000 đồng, mớ rau răm héo giá 14.000 đồng,… giữa đại dịch, tại chuỗi siêu thị nhiều cửa hàng nhất thành phố hiện nay.
"Mình chưa bao giờ lên đây (Facebook) để nói những gì mình bức xúc hay về cuộc đời hết. Nhưng mà hôm nay, mùa này là mùa Covid, mùa vất vả của tất cả mọi người trên thế giới, không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng sáng nay mình có đi ra siêu thị B để mua một ít đồ dùng, mà họ làm cho mình rất bức xúc. Lý do bởi giá cả siêu thị đưa ra không hợp lý với người dân ngay thời điểm này một tí nào.
Người dân đang khốn khổ, vừa không có công ăn việc làm, vừa phải lo chống dịch mà bây giờ nhà nước cho họ mở cửa để buôn bán, giúp cho dân trong thời khắc khó khăn, lại còn là doanh nghiệp lớn. Tại sao người dân đang khó khăn như vậy mà nỡ lòng nâng giá lên.
Nghĩ sao thời buổi khó khăn, họ bán rau răm vừa héo, vừa ít mà bán 14.994 đồng, tăng giá lên gấp 3-4 lần. Bằng từng này tôi ra chợ mua chỉ 1.000 đồng thôi, 1.000 đồng còn nhiều hơn thế. Còn củ gừng này giá 21.912 đồng, các bạn thấy có xứng đáng không, có thương dân không? Rồi đây vài củ sả giá 9.688 đồng, từng này bên ngoài tôi mua chỉ có 3.000 đồng. Món cuối cùng là nấm ngọc châm nâu, 2 hộp giá 54.000 đồng.
Con người những lúc này người ta phải biết thương dân, ghi điểm với dân, phải buôn bán ít nhất là bằng giá như mọi lần để ghi điểm. Tại sao một doanh nghiệp lớn lại bán cho dân với mức giá như vậy? Tôi không đồng tình chút nào", người phụ nữ kể lại.
Video này đã thu hút hơn 2,9 triệu lượt xem và 41.000 bình luận chỉ sau 2 ngày. Trong đó, không ít tài khoản tuyên bố tẩy chay siêu thị này sau khi dịch kết thúc.
Trong hoàn cảnh đại dịch vô tiền khoáng hậu, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhưng nếu một nông dân với tiềm lực tài chính hạn chế hơn nhiều, còn tặng cả vườn củ cải; một tiểu thương sẵn sàng miễn phí rau cho đồng bào thì có chăng, một doanh nghiệp lớn cũng nên hạ bớt những mục tiêu lợi nhuận trước mắt để chung tay giúp đỡ người dân lúc bĩ cực.
Ông bà ta xưa đã có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", hi sinh vài đồng lợi nhuận để bán thực phẩm giá bình ổn cho người tiêu dùng thời Coivd chắc hẳn sẽ đáng quý và đáng nhớ hơn hàng loạt chiến dịch khuyến mãi, hạ giá sâu lúc ngày thường.
Theo báo Người lao động, chiều 16-7, sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân về tình trạng một số điểm kinh doanh tăng giá mặt hàng, đặc biệt là chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh trên địa bàn TP Thủ Đức, Cục quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đã phối hợp với cơ quan chức năng TP Thủ Đức tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc Bách hóa xanh, cho biết có 560 điểm bán hàng của Bách hóa xanh ở TP HCM. Bình thường, mỗi ngày Bách hóa xanh cung cấp 500-600 tấn rau nhưng trong ngày 14 và 15-7 đã nâng lên thêm 2.100- 2.500 tấn, sắp tới tăng lên 3.000 tấn. Đáng chú ý, ông Doanh cho rằng nhiều người đến mua hàng rồi về nâng giá bán, khiến người dân bức xúc phản ánh hệ thống Bách hóa xanh bán giá hàng hóa cao trong mùa dịch.
Cục QLTT TP HCM cũng công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân phản ánh tình trạng nâng giá, hoặc gom hàng siêu thị đem ra ngoái bán thu lời. Những phản ánh của người dân sẽ được chuyển tới các đội trưởng đội quản lý thị trường các quận, huyện để xử lý.