CTCP Hàng không Vietjet (VJC) của nữ chủ tịch Nguyễn Thị Phương Thảo vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ 2022 nhằm mở rộng đầu tư, mua thuê máy bay, động cơ, trang thiết bị, bổ sung vốn lưu động,... khi thị trường hàng không sôi động trở lại.
Theo đó, VietJet sẽ chào bán riêng lẻ 34,8 triệu cổ phiếu cho 100 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá bán là 135.000 đồng/cp để thu về gần 4.700 tỷ đồng trong năm 2022-2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tiền huy động sẽ được giải ngân ngay trong quý IV/2022 cho tới quý I/2023, trong đó hơn 2.300 tỷ bổ sung thanh khoản và vốn lưu động; hơn 1.100 tỷ đồng cho thuê, mua máy bay; hơn 1.200 tỷ đồng cho thuê, mua động cơ, trang thiết bị,...
Trước đó, đại hội cổ đông VietJet 2022 đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị mệnh giá tối đa 6.960 tỷ đồng, hoặc tương đương 300 triệu USD với kỳ hạn 3-5 năm. Tiền thu về cũng sẽ được sử dụng để đầu tư, thuê, mua động cơ và bổ sung nguồn thanh khoản, vốn lưu động hoạt động kinh doanh.
Cũng tại ĐHCĐ 2022, cổ đông VietJet đã thông qua phương án phát hành hơn 108,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (theo tỷ lệ 10:2) nhằm tăng vốn điều lệ. Nguồn vốn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối 2021.
Như vậy, tổng cộng với 2 phương án đầu, VietJet sẽ huy động thêm khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 500 triệu USD). Vốn điều lệ cũng tăng mạnh nhờ hai phương án này và phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Ngành hàng không gần đây ghi nhận kết quả kinh doanh sáng dần với lợi nhuận tiếp tục được duy trì, hoặc đã bớt lỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn do giá nhiên liệu cao và đường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn.
Trong quý II/2022, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 181 tỷ đồng, nâng lũy kế 6 tháng đầu năm lên gần 426 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất quý II/2022 của VietJet đạt gần 11,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh gấp vài lần so với cùng kỳ năm trước và đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2022 của VietJet là khá ấn tượng và nó phản ánh sự hồi phục về nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch.
Theo VietJet, doanh nghiệp đã tăng tần suất khai thác trên nhiều chặng bay thực hiện 52,5 nghìn chuyến bay và vận chuyển 9 triệu lượt hành khách trong nửa đầu năm 2022, tăng tương ứng gấp rưỡi và gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng đã cao hơn so với giai đoạn trước dịch 2019.
Mặc dù ngành hàng không đón những tín hiệu hồi phục hậu đại dịch nhưng khó khăn đối với các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều. Giá giá nhiên liệu tăng mạnh và ở mức cao trong thời gian gần đây và đường quốc tế chưa hồi phục hoàn toàn.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN) vừa ghi nhận quý II/2022 tiếp tục thua lỗ gần 2.600 tỷ đồng dù doanh thu tăng gấp gần 3 so với cùng kỳ. Đây là quý lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này.
Thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc giá nhiên liệu tăng nhanh và mạnh khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận tình trạng kinh doanh dưới giá vốn. Lãi suất có xu hướng tăng cũng ảnh hưởng, khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên.
Mặc dù vậy, mức thua lỗ của Vietnam Airlines không còn nặng nề như khoản lợi nhuận âm hơn 4.500 tỷ đồng trong quý II/2021. Tính trong 6 tháng đầu năm, hãng lỗ hơn 5.250 tỷ đồng, ít hơn gần 3.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Vietnam Airlines đang ở tình thế ngàn cân treo sợi tóc và chờ thêm một lần giải cứu. Hãng hàng không quốc gia nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng…
Theo Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines hiện phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê. Theo Deloitte, tới cuối quý II/2022, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã vượt quá tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, tới cuối quý II/2022, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4.900 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn ở mức rất lớn ở mức gần 52,7 nghìn tỷ đồng, vượt xa so với tài sản ngắn hạn, vốn chỉ ở mức 16,2 nghìn tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines là gần 10,5 nghìn tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) cũng vừa đưa ra lưu ý khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines (HVN). HVN đã vi phạm cả 3 yếu tố mà theo quy định sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên tới trên 28,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Giăng co, thận trọng
Theo BSC, thị trường trong phiên 13/9 giằng co trong biên độ hẹp, kết phiên giảm hơn 1 điểm so với hôm qua. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 7/19 ngành tăng nhẹ. VN-Index vẫn đang trong quá trình giằng co tại khu vực 1.250-1.260 với thanh khoản thấp và chưa rõ xu hướng.
Theo AseanSC, thị trường ghi nhận một phiên giảm điểm nhẹ khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch phân hóa, trong bối cảnh thanh khoản tăng khá nhưng vẫn thấp hơn trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy sự giằng co của bên mua và bên bán, và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Chốt phiên giao dịch 13/9, chỉ số VN-Index giảm 1,22 điểm xuống 1.248,4 điểm. HNX-Index giảm 1,49 điểm xuống 281,59 điểm. Upcom-Index tăng 0,15 điểm lên 90,4 điểm. Thanh khoản đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 12,7 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
Theo M. Hà (VietNamNet)