Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021. Theo đó, doanh thu thuần Vietjet Air đạt 2.654 tỷ đồng, giảm 25% so với quý 2 và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, đây là quý có doanh thu thấp nhất của Vietjet Air kể từ khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán đầu năm 2017. Nguyên nhân là do thị trường hàng không gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong cơ cấu doanh thu của Vietjet Air, mảng vận chuyển hành khách chỉ đem về doanh thu 73,9 tỷ đồng (giảm 95%) trong khi doanh thu hoạt động phụ trợ vẫn duy trì ở mức cao, đạt 971 tỷ đồng (chỉ giảm 13%) và doanh thu khác là 319 tỷ đồng (giảm 18%).
Tuy doanh thu xuống thấp kỷ lục, nhưng đây lại là quý mà Vietjet Air có lợi nhuận gộp lên tới 559 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện. Trước đó, trong quý 1 và quý 2, Vietjet Air lỗ gộp hơn 1.000 tỷ đồng mỗi quý.
Trừ đi các loại chi phí, Vietjet Air có lãi trước thuế 103 tỷ đồng và lãi sau thuế 72 tỷ đồng.
Sau 9 tháng, Vietjet Air đạt doanh thu thuần 10.209 tỷ đồng và báo lãi trước thuế 268 tỷ đồng, lãi sau thuế 194 tỷ đồng. 9 tháng năm ngoái, Vietjet lỗ sau thuế hơn 900 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Vietjet cũng ấn tượng hơn so với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo đó, trong quý 3/2021, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí khác, Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 3.531 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines lỗ hơn 12.153 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9/2021, hãng bay của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có hơn 34.000 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn hơn 17.058 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ dài hạn của doanh nghiệp tăng từ hơn 10.384 tỷ đồng đầu năm lên 16.962 tỷ đồng cuối tháng 9/2021.
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng đã tăng gần 2.000 tỷ đồng từ 14.978 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 16.929 tỷ đông cuối quý 3.
Hết quý 3/2021, Vietjet có tổng tài sản hơn 50.949 tỉ đồng; chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 0,8 lần và chỉ số thanh khoản 1,06 lần, nằm ở mức an toàn và chỉ số thuộc nhóm tốt trong ngành hàng không thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện gần 37.000 chuyến bay, vận chuyển gần 6,4 triệu lượt hành khách; đảm bảo bay an toàn chất lượng cùng tỉ lệ đúng giờ đạt 99,7%.
Trung tâm khai thác dịch vụ mặt đất – VJGS phục vụ 25.217 chuyến bay với gần 4,5 triệu lượt khách, vận chuyển 64.031 tấn hàng hóa các loại. Doanh thu các dịch vụ này đạt 112,43% kế hoạch... Đồng thời, hãng cũng tập trung vào chuyển đổi số, cải tiến và nâng cấp các quy trình khai thác, vận hành hệ thống, giảm chi phí.
Ở mảng đào tạo, Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) chuyển hướng sang huấn luyện online, e-learning tiết kiệm chi phí và đảm bảo phòng chống dịch. Học viện tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện cho hơn 5.700 học viên bao gồm các khóa huấn luyện cho phi công, tiếp viên hàng không, điều phái bay, kỹ thuật, khai thác mặt đất...
Vừa qua, Vietjet cũng đạt được thoả thuận với đối tác chiến lược là Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus về thực hiện hợp đồng 119 tàu bay đã đặt hàng, cho đến hết năm 2028, hợp tác phát triển đội tàu bay thân rộng, đào tạo phi công.
Sau giai đoạn dài giãn cách, hãng đã khôi phục khai thác toàn bộ các đường bay kết nối TP. HCM, Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chuyến bay thường lệ quốc tế đang được chuẩn bị để khởi động trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, từ giữa năm 2022, Vietjet sẽ mở 3 đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội, TP HCM và Nha Trang với thủ đô Moskva của Nga, khai thác bằng máy bay Airbus A330-300. Đây là bước mở đầu trong chiến dịch chinh phục thị trường châu Âu của Vietjet.
PN (Nguoiduatin.vn)