Loại nấm lạ mới xuất hiện, dân rầm rộ mua ăn
Nấm biển còn khá mới mẻ, nhiều người chưa biết đến. Nếu lần đầu tiên nghe tên, không ít người sẽ nghĩ ngay đến một loại nấm mọc ở biển. Song thực chất đó là một loại hải sản quen thuộc của ngư dân vùng biển, ăn thơm ngon, giòn dai sần sật.
Gần đây, nấm biển được rao bán rầm rộ trên “chợ mạng”, nhiều chị em tò mò mua về làm món nhậu bởi khá mới lạ. Nhờ đó, dân buôn bán hết vài tạ mỗi ngày. Giá bán lẻ nấm biển là 220.000 đồng/kg, còn giá sỉ là 165.000 đồng/kg.
Dân Hà thành mua loại bí lạ mắt về chơi rồi đem nấu ăn
Bí ngô là loại quả bổ dưỡng, được bày bán quanh năm với giá khá rẻ. Bí ngô nhỏ thường có trọng lượng khoảng 1 kg/quả, loại trung bình 2-5 kg/quả, có loại nặng tới cả 10 kg/quả. Thậm chí, nhiều giống bí ngô khủng còn nặng tới hàng tạ.
Song, gần đây, thị trường xuất hiện loại bí quả siêu lạ với các dáng, màu sắc khác nhau. Đáng chú ý, những quả bí này có trọng lượng siêu nhỏ, từ 150-300 gram/quả. Theo người bán, đó là bí baby, có nguồn gốc từ nước ngoài, mới được du nhập về Việt Nam và trồng làm bí cảnh. Với hình dáng khác lạ, màu sắc độc đáo, bí baby hút dân Hà thành mua về ngắm chơi dù có giá đắt đỏ, hơn bí ngô 5-10 lần. Có người chi hàng triệu đồng mua loại quả này về trang trí, rồi để vài ba tháng khi chán lại đem ra nấu ăn.
'Dừa sáp cách tân' lạ mắt của chàng trai 25 tuổi ở Trà Vinh
Báo Lao Động thông tin, dừa sáp được biết đến là một trong những đặc sản nổi tiếng tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh nhưng đa phần chỉ bày bán ở dạng thô, bao trong bọc lưới. Mới đây, loại đặc sản này được 'khoác' lên diện mạo mới mang tên "dừa sáp cách tân" nhờ ý tưởng khởi nghiệp của anh Nguyễn Hải Âu (25 tuổi, ngụ huyện Cầu Kè).
Quá trình tạo ra dừa sáp 'cách tân' không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự kỳ công. Các công đoạn lột vỏ, gọt thô, tạo đế, đánh bóng đều được làm thủ công. Theo anh Âu, hình thức đẹp mắt, sự tiện dụng của 'dừa sáp cách tân' sẽ tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, người dùng có thể tái sử dụng phần gáo để làm các vật dụng tiện ích.
Gốc bằng lăng cổ thụ nổi vân, u nần lạ mắt
Anh Nguyễn Văn Xuyên (Hậu Giang) đang sở hữu một gốc bằng lăng với kích cỡ khủng 4 người ôm không xuể. Khác với thân bằng lăng thường thấy, gốc bằng lăng này có vẻ ngoài rất khác lạ khi nổi rất nhiều đốm nu sần quanh gốc vô cùng đẹp và lạ mắt
"Cái gốc này tôi bỏ ra hơn 300 triệu để mua nó từ một người bạn... Với nhiều người gốc bằng lăng này không khác gì gốc cây bình thường. Nhưng với những người có am hiểu về gỗ thì giá trị khúc cây này không tầm thường, bởi ở ĐBSCL, rất khó để có thể nhìn thấy được gốc bằng lăng cườm như vậy", anh Xuyên cho biết trên Báo Dân Trí.
Không chỉ có vẻ ngoài ấn tượng mà bên trong gốc bằng lăng cũng thú vị không kém. Phần thân bên trong rỗng hoàn toàn có thể chứa được một người. Các thớ gỗ có tạo hình khác lạ như thạch nhũ trong hang động.
Vườn sứ có “1 không 2” ở làng hoa Sa Đéc
Báo Đồng Tháp cho hay, hơn 20 năm qua, với niềm đam mê hoa sứ, anh Ngô Đăng Lâm (ngụ ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP. Sa Đéc) đã sưu tầm và sở hữu hàng chục cây sứ khủng, giá trị mỗi cây lên đến hàng trăm triệu đồng, tạo thành một vườn sứ có “1 không 2” ở Làng hoa Sa Đéc.
Theo anh Lâm, trong vườn của anh có khoảng 30 gốc sứ đều là sứ Ánh Dương, mỗi cây tuổi đời hàng chục năm. Trong đó, có 4 gốc sứ có dáng thế tương đối cân xứng nhau, mỗi cây hơn 50 năm tuổi, đường kính tán hơn 11m (khoảng 6 người ôm mới giáp tàn), chiều cao mỗi cây khoảng 3m. Đặc biệt, các cây sứ ở đây còn được đánh giá cao bởi bộ rễ nổi lên mặt chậu với những hình thù rất lạ mắt, đặc biệt là các cây sứ này luôn trổ đầy hoa đã tạo thêm sức hút với người nhìn.
Độc đáo đình làng từ gỗ gụ nhỏ nhất Việt Nam
Đình Hữu Bằng (ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng bởi các di vật quý giá mà còn qua giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc biệt.
Nhà của nghệ nhân Phan Lạc Hùng (67 tuổi) ở ngay gần đình, nên cả đời ông gắn bó với ngôi đình cổ kính này. Ông luôn giữ trong tâm một tình yêu đặc biệt đối với đình làng. Tình cảm đó thôi thúc ông thực hiện mô hình đình Hữu Bằng bằng gỗ "phiên bản siêu nhỏ". Ông đã dành 5 năm để lên ý tưởng và thực hiện chế tác mô hình đình làng cổ với tỉ lệ chính xác cao, chi tiết tinh tế. Tác phẩm được làm từ chất liệu gỗ và nhôm của ông Hùng đã đạt đến trình độ tinh xảo giống gần 80% so với phiên bản gốc từ những chi tiết nhỏ nhất. Nhiều người hỏi mua tác phẩm với giá cao nhưng ông Hùng cho biết sẽ không bán.
Biến lá cây thốt nốt thành những bức tranh đẹp, lạ
Theo Báo Dân Việt, một nghệ nhân ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đã biến những thứ tưởng chừng rất tầm thường là lá thốt nốt thành những bức tranh nghệ thuật sinh động, đa sắc màu, làm phong phú thêm dòng tranh nghệ thuật, được khách hàng cả nước yêu thích. Đó là nghệ nhân Võ Văn Tạng (78 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn).
Cây thốt nốt là loại cây đặc trưng vùng Bảy Núi. Nhưng trước đó ông Tạng cũng như nhiều du khách chỉ biết thốt nốt là loại đặc sản ẩm thực vì nước thốt nốt, cơm có hương vị rất đặc biệt. Từ khi tìm hiểu loại cây này, ông Tạng rất lý thú khi biết lá thốt nốt để lâu không bị hư hỏng và lá cây không bị mối mọt, chuột bọ cắn phá. Khi khám phá ra công dụng kỳ diệu của lá thốt nốt, ông Tạng đã tìm tòi nghiên cứu dùng làm nguyên liệu sáng tác tranh, ảnh.
Ông Tạng chia sẻ, ông đã vẽ trên 200 kiểu tranh thốt nốt với đủ kiểu mẫu khác nhau, trong đó gồm các chủ đề tranh Bác Hồ, Bác Tôn, tranh phong cảnh làng quê, tranh loài vật,... Một trong những sản phẩm nổi tiếng là bức tranh di chúc Bác Hồ, đạt kỷ lục Guiness Việt Nam. Đến nay, ông đã cho ra hàng chục nghìn bức tranh lá thốt nốt. Dòng tranh thốt nốt của ông Tạng được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)