Tranh thủ đặt đặc sản cho ngày Tết
Mặc dù còn 1 tháng nữa mới chạm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng cách đây hơn 1 tuần, bà Vũ Thị Hồng (56 tuổi, ở Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã liên hệ những người quen ở Sơn La để đặt một số mặt hàng đặc sản cho mâm cơm ngày Tết gia đình mình.
Bà Hồng cho biết: "Thịt lợn là mặt hàng ưu tiên và không thể thiếu trong ngày Tết nhưng giá thịt lợn không rẻ. Chỉ chưa đầy 1 tuần qua mà giá lợn hơi tăng từ 70.000 đồng/kg lên đến 85.000 đồng/kg. Hơn nữa, dịch tả lợn châu Phi vẫn xuất hiện ở nhiều nơi nên từ nay đến Tết Nguyên đán, giá thịt lợn không thể giậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, tôi đặt 3kg thịt lợn sấy để sử dụng vào những ngày Tết. Hơn nữa, đây là mặt hàng đặc sản, có thể để bảo quản được thời gian dài nên tôi tranh thủ đặt hàng khi thịt lợn chưa lên giá nhiều để tiết kiệm phần nào chi phí cho ngày Tết".
"Thịt lợn xông khói ở vùng Tây Bắc rất đặc biệt, được ướp nhiều gia vị có mùi vị đặc trưng của vùng Tây Bắc. Hơn nữa, thịt lợn xông khói làm được nhiều món lạ miệng, có vị rất riêng, nên vài năm trở lại đây, thịt lợn xông khói luôn có mặt trong mâm cơm ngày Tết của gia đình tôi", bà Hồng cho hay.
Cũng theo bà Hồng, loại thực phẩm tươi sống nào cũng có thể tạo ra được mùi vị xông khói, như thịt lợn, thịt trâu… tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm sẽ có giá thành khác nhau. Năm nay, thịt ba chỉ xông khói mà bà Hồng đặt có mức giá là 350.000 đồng/kg.
Không chỉ riêng bà Hồng, chị Nguyễn Thị Thúy (34 tuổi, ở La Khê, Hà Đông, Hà Nội) cũng tranh thủ đặt mua thịt lơn xông khói cùng một số đặc sản vùng Tây Bắc như nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… để sử dụng trong ngày Tết.
Theo chị Thúy, những mặt hàng này không hề thiếu ở Hà Nội nhưng nếu có người thân thiết hoặc có nguồn hàng tin cậy ở vùng Tây Bắc thì chị yên tâm về chất lượng lẫn giá cả. "Các mặt hàng đồ khô thì giá cả không biến động so với những năm trước. Chỉ có mỗi mặt hàng thịt lợn là giá cả có sự biến động theo thị trường, nhất là thịt tươi. Như năm ngoái, do sự cầu toàn về nguồn thịt cho gia đình ngày Tết nên tôi đặt nguyên con lợn đen ở vùng Tây Bắc. Đó là loại lợn được nuôi đặc biệt nên chất lượng thịt cũng thơm ngon hơn rất nhiều so với lợn được nuôi trong môi trường công nghiệp. Tuy nhiên, do thịt khá nhiều mà càng bảo quản lâu ngày thì thịt càng mất đi độ tươi ngon, hơn nữa ngày Tết có quá nhiều món ăn nên lượng thịt sử dụng cũng không nhiều. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi đặt thịt xông khói. Mặc dù giá thịt xông khói đắt hơn thịt tươi nhưng tôi phải đặt từ 10 ngày đến nửa tháng rồi mà hàng vẫn chưa về đến Hà Nội", chị Thúy cho hay.
Đặc sản vùng miền đắt khách ngày cận Tết
Chị Trần Tú Hường (31 tuổi, ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã có nhiều năm kinh doanh mặt hàng thực phẩm xông khói. Do mang hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc nên thịt xông khói gia đình chị làm bán chạy hơn cả, ví dụ như: Thịt lợn, thịt trâu, thịt nai và lạp xưởng. Giá của những mặt hàng này cũng rất đa dạng. Đơn cử như thịt lợn ba chỉ và lạp xưởng có giá 350.000 đồng/kg; thịt lợn nạc sấy có giá phải từ 540.000 đồng/kg, thịt trâu là hơn 900.000 đồng/kg...
Sở dĩ thịt sấy có giá thành cao, theo chị Hường, là do thịt mất nước trong khi sấy. Bắt đầu từ công đoạn chọn thịt đến ướp và cho vào lò cũng phải mất từ 4 - 5 ngày sấy than củi mới cho ra được một mẻ thành phẩm. Với thịt ba chỉ sấy thì không hao quá nhiều so với trọng lượng ban đầu do có mỡ, nhưng thịt lợn nạc hoặc thịt trâu, thịt nai thì cần từ 3 - 4kg thịt tươi mới có được 1kg thịt thành phẩm. Do đó, một đơn hàng đặt ít nhất từ 5 - 10 ngày mới có thể trả cho khách.
Chị Hường cho biết: "Những năm trước, khách hàng đặt thịt xông khói rất nhiều. Nhất là khoảng 1 tháng trước Tết, tôi tất bật để chuẩn bị đủ hàng trả khách nhưng năm nay lượng khách ít hơn. Nếu năm trước, tôi phải làm hơn 100kg thịt sấy để trả khách mỗi tuần thì năm nay, sản lượng chỉ đạt khoảng 2/3 so với năm ngoái".
Theo chị Hường, do kinh doanh nhiều năm nên khách hàng của chị Hường ở khắp các tỉnh, tuy nhiên khách ở Hà Nội là nhiều hơn cả. "Một đơn hàng không chỉ đặt nguyên mặt hàng thịt sấy, mà thường sẽ đặt thêm nhiều mặt hàng khác như nấm hương, miến dong, măng khô hoặc dược liệu. Mỗi đơn hàng khách ở Hà Nội đặt thường có giá trị từ khoảng 1,5 triệu đồng/đơn trở lên", chị Hường cho hay.
Những ngày cuối năm, chị Nông Thị Thu (38 tuổi, ở TP Lạng Sơn) cũng tất bật gom đơn hàng để trả khách. Chị Thu cho biết: "Tôi bán thêm hàng tạp hóa nhưng năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là người quen của gia đình tôi ở Hải Phòng, Hà Nội lại điện lên đặt măng ngâm mắc mật. Do đặc tính cay thơm nên măng ngâm mắc mật có thể để càng lâu càng cay, càng thơm nhưng do công việc văn phòng cuối năm cũng bận bịu nên có đơn nào thì tôi tranh thủ làm đợt đó. Người quen đặt hàng cũng chủ yếu là vừa bán vừa biếu nên mỗi đơn hàng của tôi có thể lên từ 20 - 50 lọ măng ớt ngâm mắc mật. Do là đặc sản nên mặt hàng này rất chạy. Một số thương hiệu măng ngâm mắc mật ở Lạng Sơn này phải tranh thủ làm từ trong năm thì đến Tết mới đủ số lượng hàng lớn để trả đại lý bán lẻ".
Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, khoảng từ giữa tháng 12/2020, giá lợn hơi tăng lên mỗi ngày, từ 65.000 đồng/kg thì nay lợn hơi đã chạm mốc 85.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản - Vissan, nguồn cung thịt lợn khá hạn chế do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, hơn nữa, thị trường miền Bắc đang hút hàng lợn hơi, đặc biệt là Trung Quốc cũng đang có nhu cầu lớn về thịt lợn để phục vụ sản xuất, tiêu dùng dịp Tết, nên từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn kèm theo giá cả vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lại cho rằng, nếu giá thịt lợn "nóng" lên thì Chính phủ sẽ có những giải pháp can thiệp, bảo đảm mức hợp lý cho người tiêu dùng.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)