Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng hiện nay không có nhiều khác biệt giữa các ngân hàng, trung bình vào khoảng 4,5-5,5%/năm.
Nguyên nhân là các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 6 tháng hiện nay vẫn bị Ngân hàng Nhà nước quản lý bằng áp trần lãi suất 5,5%/năm. Hầu hết ngân hàng hiện nay đều đưa ra mức lãi suất tối đa cho các khách hàng gửi tiền của mình.
Lãi suất tiền gửi 6 tháng
Tuy nhiên, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tại các ngân hàng bắt đầu cho thấy sự khác biệt. Theo đó, một số ngân hàng nhỏ có xu hướng đẩy cao lãi suất tiền gửi để thu hút khách hàng. Ở kỳ hạn này, chênh lệch lãi suất giữa các nhóm ngân hàng lên tới 2%.
Ngân hàng có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện nay là VIB với mức 7,6%/năm. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cùng quy mô với nhà băng này cũng đưa ra mức lãi suất tương tự như 7,5% tại BacABank; 7,4% tại Baovietbank, NCB, và Vietcapital Bank…
Tuy đưa ra mức lãi suất rất cao ở kỳ hạn này, các ngân hàng trên không phải nơi thu hút nhiều tiền gửi nhất của người dân.
Theo thống kê, năm 2018, cũng như 3 tháng đầu năm 2019, người dân vẫn gửi nhiều tiền tiết kiệm nhất vào 4 ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng trở xuống cũng đang chiếm một tỷ trọng đáng kể tại các nhà băng này.
Tuy nhiên, đây lại là nhóm ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng thấp nhất hệ thống, hiện chỉ khoảng 5,5%/năm.
Nhóm 10 ngân hàng có lượng tiền gửi của người dân lớn nhất hiện nay đều có mức lãi suất kỳ hạn này dưới 7%.
Lãi suất tiền gửi 12 tháng
Dù đã tăng trong tháng 4, nếu so với cuối năm 2018, mức lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng đã giảm nhẹ.
Số liệu khảo sát từ biểu lãi suất niêm yết tại các ngân hàng cho biết, lãi tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay dao động từ 6,6% đến cao nhất 8%/năm.
Trong đó, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ tiếp tục đưa ra mức lãi suất khá cao tại kỳ hạn này. Như tại BacABank và NCB, Vietcapital Bank mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện đều ở 8%; hay NamABank là 7,9%; OCB niêm yết 7,8%... So với cuối năm 2018, mức lãi suất này tại các ngân hàng đã giảm 0,1-0,2%.
Tại nhóm ngân hàng quy mô lớn hơn, với lợi thế về mạng lưới giao dịch và uy tín, các ngân hàng này tiếp tục có cơ sở để đưa ra mức lãi suất tiết kiệm thấp hơn, trên dưới 7%/năm.
Trong đó, ngân hàng có lãi suất thấp nhất kỳ hạn này là Techcombank với chỉ 6,6%/năm cho gói tiền gửi dưới 1 tỷ đồng. Trong khi nhóm ngân hàng Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cũng chỉ niêm yết lãi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8-6,9%/năm.
Tại một số ngân hàng khác lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cũng không có nhiều khác biệt như VPBank (7,05%); SHB (7,1%); MBBank (7,2%)...
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một NHTM nhà nước cho biết việc các ngân hàng nhỏ đưa ra mức lãi suất huy động cao có hai nguyên nhân. Một là, các ngân hàng này với rất ít hệ thống phòng giao dịch, chi nhánh nên khó tiếp cận với khách hàng. Khi uy tín và thương hiệu trên thị trường chưa cao, họ buộc phải dùng lãi suất để làm ưu thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc có ít chi nhánh, phòng giao dịch, điểm ATM... cũng giúp các ngân hàng này tiết giảm chi phí quản lý, nhân viên và dùng chi phí tiết kiệm đó để bù đắp vào chi phí lãi suất huy động.
“Nếu để ý có thể thấy, những ngân hàng có nhiều chi nhánh, phòng giao dịch, ATM thì mức lãi suất huy động không thể cao được. Tuy nhiên, lượng tiền gửi của khách hàng vẫn rất nhiều là do mạng lưới rộng, uy tín, thương hiệu nên dễ tiếp cận các nhóm khách hàng hơn”, vị này cho hay.
Lãi suất tiền gửi dài hạn cao nhất 8,6%
Là nguồn vốn dài hạn tương đối quan trọng với các ngân hàng, tuy nhiên thực tế cho thấy rất ít khách hàng cá nhân lựa chọn các gói kỳ hạn dài lên tới 24 hay 36 tháng. Nguyên nhân là những khoản tiền gửi này kém linh hoạt hơn rất nhiều so với kỳ hạn 9-12 tháng, trong khi lãi suất cũng không cao hơn nhiều.
Thậm chí, mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện nay còn cho thấy tại một số ngân hàng các khoản tiền gửi dài hạn không được ưu tiên huy động như các khoản dưới 12 tháng.
Tại nhiều ngân hàng, lãi tiền gửi kỳ hạn dài 24-36 tháng còn thấp hơn lãi suất huy động 12-13 tháng của ngân hàng.
Hiện nay, ngân hàng đưa ra lãi suất tiền gửi dài hạn trên 12 tháng cao nhất là Vietcapital Bank lên tới 8,6%/năm với các kỳ hạn 24-60 tháng, còn lại hầu hết ngân hàng đều niêm yết dưới 8%.
Trong đó, nhóm ngân hàng lớn như Techcombank, Agribank, BIDV, Vietcombank… hiện niêm yết mức lãi suất các kỳ hạn dài tương đương hoặc cao hơn 0,1% so với kỳ hạn 12 tháng.
Gửi tiền kỳ hạn nào lợi hơn?
Việc lựa chọn gửi tiền ngắn hạn hay dài hạn sẽ có lợi hơn là thắc mắc của nhiều người đi gửi tiền. Tuy nhiên, mỗi kỳ hạn gửi lại có lợi ích khác nhau.
Đối với kỳ hạn ngắn, đây là các thức gửi tiền linh hoạt, dành cho khách hàng thường xuyên cần sử dụng vốn. Mức lãi suất thường là 0,1-0,5% cho các khoản không kỳ hạn, và từ 4,5-5,5% cho tiền gửi có thời gian 1-3 tháng. Người gửi có thể rút tiền khi cần, và lãi suất được tính dựa trên số ngày gửi tiền.
Đối với tiền gửi dài hạn, các khoản này phù hợp hơn cho khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi chưa có mục đích sử dụng. Và nơi gửi tiền thường được khách hàng lựa chọn theo ngân hàng mà mình đang mở thẻ, tài khoản và sử dụng dịch vụ.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)