Siết tín dụng sát sườn hơn 'ngáo ộp' chiến tranh thương mại

22/04/2019 09:45:00

Lãnh đạo một số ngân hàng đang tập trung chú ý và thận trọng với hướng dự kiến điều chỉnh chính sách liên quan đến tín dụng.

Siết tín dụng sát sườn hơn 'ngáo ộp' chiến tranh thương mại
Tới đây, các tiêu chuẩn an toàn hoạt động ngân hàng, chính sách phát triển tín dụng sẽ thêm một bước chặt chẽ hơn nữa.

Cần rõ hình hài tác động

Cuối tuần qua, trò chuyện với BizLIVE bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói: “Với hoạt động ngân hàng năm nay, mối quan tâm hàng đầu vẫn là chính sách tín dụng. Có những vấn đề cần được làm rõ”.

Trong câu chuyện của vị lãnh đạo ngân hàng này, “giật mình” nhìn lại thì cũng đã một năm trôi qua, cuộc chiến thương mại rồi cũng hòa dần vào các dòng chảy trên thị trường và các vận động của nền kinh tế. Nó như dần dần được đồng hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng xử của các doanh nghiệp.

“Thế cho nên, tôi thấy định hướng siết lại tín dụng với những quy định dự kiến tới đây còn sát sườn hơn “ngáo ộp” chiến tranh thương mại. Tầm này năm ngoái, ta e sợ nó. Nhưng đến giờ, cơ bản hình hài “con ngáo ộp” này cũng rõ dần và có vẻ như không quá đáng sợ”, người trò chuyện trên đặt vấn đề.

Vậy nên, cá nhân ông muốn tìm hiểu, mổ xẻ thật cụ thể các quan điểm, dự kiến tác động của triển vọng chính sách tín dụng tới đây. Điểm xuất phát là các dự thảo vừa công bố của Ngân hàng Nhà nước, về hoạt động công ty tài chính, về quy định mới các giới hạn và tỷ lệ an toàn hoạt động các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, việc giới hạn công ty tài chính cho vay bằng tiền mặt, chốt lại rồi sẽ như thế nào và như thế có mâu thuẫn với một động lực hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen hay không

Thứ hai, hướng áp hệ số rủi ro cao hơn nhiều với những khoản vay tiêu dùng có số dư trên 3 tỷ đồng sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản; định hướng giảm giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn có siết chặt không, phương án nào thì hợp lý?

Muốn tìm hiểu và mổ xẻ các chiều tác động, vì để trả lời những câu hỏi trên cần có mức độ lượng hóa cụ thể, trên thực tiễn và dữ liệu toàn hệ thống, thực tiễn các phân khúc liên quan trên thị trường.

Khi nắm rõ được khả năng mức độ tác động thì người dân, doanh nghiệp, chuyên gia mới hướng đến các quan điểm, nên hay không nên, hợp lý hay chưa hợp lý.

Đã thảo luận với các bên

Tại phiên họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, khi trả lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) nói: “Chúng ta thấy, năm nay Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh, có nhiều thông tư mới đưa ra, nhiều quy định mới. Vì vậy chúng tôi đưa ra những chỉ tiêu khá thận trọng so với năng lực của ngân hàng”.

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng, tại đại hội, Techcombank cho biết thực tế đã có chủ trương hạ dần tỷ trọng dư nợ trung dài hạn.

Trả lời BizLIVE cuối tuần qua, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, những điểm Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh là cần thiết, cũng nhằm đảm bảo an toàn cho chính các ngân hàng thương mại.

“Những hướng điều chỉnh đó cũng đặt yêu cầu các ngân hàng phải cân đối lại nguồn, tăng vốn để gia tăng sức mạnh của mình. Theo đó, việc đáp ứng và thúc đẩy hoạt động tùy thuộc vào mỗi thành viên, và LienVietPostBank chủ động được”, ông Thắng nói.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, theo tìm hiểu của BizLIVE, trước khi công bố và tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện các dự thảo trên, cơ quan này đã có các cuộc họp bàn, thảo luận cụ thể với Bộ Xây dựng, với đại diện các ngân hàng thương mại.

Sau khi cơ bản thống nhất quan điểm và các nội dung dự kiến điều chỉnh qua các cuộc họp đó, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức công bố dự thảo.

Trước nữa, đầu mối này đã mời các chuyên gia của Canada, của một số tổ chức quốc tế vào tư vấn xây dựng dư thảo, đặc biệt ở các điểm kỹ thuật và thông lệ quốc tế.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp nhận các ý kiến đóng góp, xây dựng để hoàn thiện các dự thảo. Song, tinh thần chung có thể thấy trước, tới đây các tiêu chuẩn an toàn hoạt động ngân hàng, chính sách phát triển tín dụng sẽ thêm một bước chặt chẽ hơn nữa.

Theo Minh Đức (Bizlive.vn)

Nổi bật