Thông cáo đăng tải trên trang web của hãng có trụ sở ở Singapore này cho biết đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực.
Phía Grab sẽ tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh và tài sản của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Là một phần của thỏa thuận thu mua, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab và CEO của Uber - Dara Khosrowshahi - sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
CEO kiêm Đồng sáng lập Tập đoàn Grab Anthony Tan khẳng định vụ sáp nhập này đánh dấu sự bắt đầu của một kỉ nguyên mới. "Thỏa thuận này cũng sẽ giúp chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để phát triển và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm dịch vụ và công nghệ để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trên toàn thế giới"- ông Tan nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Tan Hooi Ling, Đồng sáng lập của Grab, cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ GrabFood đến toàn bộ quốc gia Đông Nam Á vào quý tới".
Theo Bloomberg, "ông mối" của thương vụ, đồng thời cũng là bên hưởng lợi nhiều nhất trong thương vụ này được cho là Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản khi tập đoàn này đang là cổ đông lớn nhất ở cả Grab và Uber. Tập đoàn của doanh nhân Masayoshi Son này được cho là đã tìm cách đẩy mạnh giảm thiểu cạnh tranh ở thị trường gọi xe Đông Nam Á được dự báo sẽ đạt tới giá trị 20,1 tỉ USD vào năm 2025.
Uber và Grab, cùng với 2 hãng gọi xe khác cũng do SoftBank đứng sau, bao gồm Ola của Ấn Độ và Didi Chuxing của Trung Quốc, đang cung cấp khoảng 45 triệu lượt xe gọi/ngày, theo tài liệu của SoftBank hồi tháng 2.
SoftBank nhiều khả năng muốn Uber và Grab về một nhà để tập trung nguồn lực cạnh tranh với các đối thủ mới, cũng như những ông lớn muốn gia nhập thị trường Đông Nam Á, như Lyft tới từ Mỹ.
Theo Đỗ Quyên (Nld.com.vn)