Thông tin Uber chuẩn bị rút khỏi Đông Nam Á bằng việc bán mình cho đối thủ Grab để đổi lấy cổ phần đã khiến không ít khách hàng và lái xe lo lắng rằng thời gian tới Grab sẽ "một mình một đường" trên thị trường gọi xe tăng trưởng nhanh bậc nhất thế giới này.
Cơ chế tính cước và 'cú đánh' với khách gọi xe
Theo tờ Asean Post, các nhà quản lý Singapore tỏ ra quan ngại về mức độ minh bạch trong cơ chế tính cước của Grab trong tương lai khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á.
Theo tiến sĩ kinh tế vận tải Walter Theseira của Đại học Khoa học Xã hội Singapore: "Grab hoàn toàn biết được rằng họ có thể tính cước phí khác nhau với những đối tượng khác nhau". Ông cũng nói thêm để chính sách giá được công bằng cần có thêm nhiều thông tin hơn nữa về hoạt động kinh doanh của Grab nhằm quản lý việc này tốt hơn.
Đặt vấn đề minh bạch giá cước sang một bên, khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi Grab chiếm thế độc tôn. Những đợt khuyến mại sâu liên tiếp sẽ trở thành chuyện của quá khứ.
Trước đây, khi Didi Chuxing thâu tóm Uber tại Trung Quốc năm 2016, hành khách tại nước này cũng chịu tình cảnh tương tự. Sau khi "hất cẳng" đối thủ, Didi Chuxing không chỉ giảm các đợt khuyến mại cho khách hàng mà còn cắt luôn phần thưởng thêm dành cho lái xe.
Theo ông Darshan Singh Dhillon - Chủ tịch Hiệp hội Tiêu dùng Malaysia (MCM) - nếu thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, Grab - startup của Singapore - sẽ chiếm thế độc quyền tại Malaysia.
“Nếu điều đó xảy ra, các dịch vụ với giá tương đối rẻ mà người Malaysia đang được hưởng sẽ trở nên đắt đỏ, đặc biệt là khi dịch vụ taxi truyền thống của chúng tôi bị loại khỏi sân chơi", ông Darshan nói.
Mối lo cho giới lái xe
Đối với lái xe, đa số đều cho rằng việc chuyển đổi giữa Uber và Grab phụ thuộc vào thu nhập họ có được khi trở thành đối tác lái xe của hai ứng dụng này. Nhưng nếu như chỉ còn một công ty, họ sẽ không có nhiều lựa chọn và phải nhận số tiền mình được trả dù là bao nhiêu.
"Nếu Uber rút khỏi Đông Nam Á, Grab sẽ có hơn 2,1 triệu lái xe tại Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, và Campuchia", nhà kinh tế Firdaos Rosli của Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế (ISIS) cho biết.
“Trên thị trường hiện đã có nhiều ứng dụng gọi taxi nhưng họ có thể biến thành ứng dụng chia sẻ xe hay không lại là vấn đề khác. Muốn làm được điều đó, họ cần làm được nhiều hơn nữa, ít nhất là hơn những gì Grab đang cung cấp cho khách hàng", ông Rosli nói.
Theo ông, khi khi thương vụ thâu tóm kia chính thức diễn ra, Grab sẽ trở thành chuẩn mực cho tất cả dịch vụ taxi, dù là taxi truyền thống hay chia sẻ ôtô.
Tờ Free Malaysia Today cho biết vài năm qua, hàng nghìn lái xe taxi của Malaysia đã bỏ taxi truyền thống để lái cho Uber và Grab. Họ cho rằng không thể cạnh tranh được với mức giá thấp hơn và yêu cầu pháp lý ít hơn của hai startup "taxi công nghệ này".
Ông Darshan - Chủ tịch Hiệp hội Tiêu dùng nước này - thì cho rằng chính phủ cần khuyến khích thêm nhiều công ty gọi xe tham gia vào sân chơi thông qua chế độ đãi ngộ và rào cản pháp lý không cần thiết.
“Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các công ty và lái xe taxi truyền thống bằng cách đào tạo họ thích nghi với những thay đổi và khuyến khích phát triển công nghệ để cải thiện dịch vụ của mình", ông Darshan nói.
Sự bại trận của 'gã khổng lồ'
Trước đó, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Uber đang chuẩn bị bán một phần cơ sở kinh doanh tại khu vực Đông Nam Á của mình cho đối thủ lớn nhất Grab để đổi lấy cổ phần tại startup Singapore.
Thị trường chia sẻ ôtô tại Đông Nam Á đang tăng trưởng nhanh chóng và được dự báo sẽ đạt giá trị 13,1 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường Internet với hơn 600 triệu dân này hiện lớn thứ tư thế giới nhờ lực lượng tiêu dùng trẻ đông đảo với thu nhập ngày càng cao.
Được định giá gần 70 tỷ USD, Uber có mặt tại hơn 80 nước còn Grab mới ra đời năm 2013 tại Singapore. Tại Đông Nam Á, hai công ty ở thế đối đầu ở Singapore rồi nhanh chóng mở rộng cuộc chiến cạnh tranh ra khắp khu vực.
Ban đầu, quy mô toàn cầu mang lại lợi thế cho Uber, nhưng sau đó Grab nhanh chóng bắt kịp nhờ thiết kế dịch vụ phù hợp với thị trường, cho phép thanh toán bằng cả thẻ tín dụng và tiền mặt. Grab cũng đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các lái xe, dạy các lái xe nhiều tuổi những cơ chế của dịch vụ trực tuyến, đồng thời trợ cấp khi cần để họ có thể mua smartphone.
Đến nay, Grab đã có mặt tại ít nhất 178 thành phố tại khu vực Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Ấn Độ và Singapore. Trong khi đó, Uber chỉ hoạt động tại 60 thành phố trong khu vực.
Năm 2017, Grab cho biết đã vượt con số 1 tỷ chuyến xe tại Đông nam Á và nắm giữ 71% thị phần trong mảng gọi xe cá nhân và 95% mảng gọi taxi của đối tác thứ 3.
Theo Bloomberg, Grab hiện được định giá 6 tỷ USD và đang nhanh chóng mở rộng ra khắp Đông Nam Á với chiến lược "bản địa hoá" các dịch vụ của mình tại mỗi quốc gia. Startup này cũng mở rộng sang các lĩnh vực khác như giao đồ ăn, thanh toán điện tử và đang chuẩn bị lấn sân sang lĩnh vực cho vay và bảo hiểm.
Theo Phương Anh (Tri Thức Trực Tuyến)