Uber Technologies vừa ra thông báo xác nhận đồng ý bán mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho đối thủ Grab, đánh dấu sự rút lui thứ 2 tại châu lục này.
Theo thỏa thuận, Uber sẽ bán toàn bộ mảng kinh doanh tại thị trường 620 triệu dân này, kể cả dịch vụ giao đồ ăn Uber Eats, cho Grab. Đổi lại, họ sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab. CEO Uber - Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào Hội đồng quản trị Grab.
Trước đó, dự báo về sự sáp nhập tại thị trường cạnh tranh khốc liệt như châu Á đã nổi lên sau khi SoftBank Group rót hàng tỷ USD vào Uber. SoftBank là cổ đông lớn của cả Grab, Uber cũng như ứng dụng đi chung xe Trung Quốc – Didi Chuxing. Họ đã liên tục thúc đẩy thương vụ này, nhằm cải thiện lợi nhuận cho Uber.
Trong thông cáo sáng nay, CEO kiêm đồng sáng lập Grab - Anthony Tan cho biết: “Việc sáp nhập hôm nay đánh dấu khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khi chúng tôi trở thành công ty đi đầu về nền tảng công nghệ và hiệu quả chi phí trong khu vực. Cùng với Uber, chúng tôi sẽ có thêm ưu thế để tiếp tục thực hiện cam kết phục vụ tốt nhất cho khách hàng”.
CEO Uber cũng nhận định thương vụ này là minh chứng cho sự tăng trưởng vượt bậc của Uber tại khu vực Đông Nam Á trong 5 năm vừa qua. Ông cho rằng nó sẽ giúp Uber “nỗ lực hơn nữa để phát triển và tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm dịch vụ và công nghệ để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng trên toàn thế giới”.
Dù vậy, nó cũng đánh dấu một bước lùi nữa của Uber trên thị trường quốc tế. Năm 2016, Uber đã phải bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho đối thủ Didi Chuxing để đổi lấy 17,5% cổ phần trong công ty này. Sau đó, mảng kinh doanh tại Nga cũng bị bán cho Yandex.
Từ khi nhậm chức năm ngoái, Khosrowshahi luôn bị thúc giục làm đẹp số liệu tài chính cho công ty, để chuẩn bị IPO năm tới. Rút chân khỏi các thị trường như Đông Nam Á sẽ giúp tăng lợi nhuận cho họ. Từ khi thành lập cách đây 9 năm, Uber đã tiêu tốn 10,7 tỷ USD. Tháng trước, trong chuyến thăm châu Á, Khosrowshahi cho biết sẽ vẫn giữ các thị trường chủ chốt như Nhật Bản và Ấn Độ.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)