Diễn biến gần đây của giá xăng dầu khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, khi phải lựa chọn tăng giá cước hoặc bù lỗ để giữ chân khách. Còn với tài xế xe công nghệ, sau thời gian dài xe đắp chiều vì dịch bệnh, nay được chạy lại, họ chưa kịp mừng thì giá xăng liên tục tăng.
Anh Đỗ Văn Đạo (tài xế xe công nghệ tại Hà Nội) cho biết, thu nhập sau dịch bị ảnh hưởng đáng kể, khi mỗi tuần anh phải xét nghiệm COVID-19 tốn 150.000 - 200.000 đồng/lần, giá xăng liên tục tăng.
Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải, hiện chi phí xăng dầu đang chiếm 35-40% tổng chi phí mỗi cuốc xe. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Việt Nam cho biết: Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xăng dầu tăng giá mạnh buộc các doanh nghiệp vận tải phải điều chỉnh giá cước.
Đối với vận tải bằng xe khách, hiện nay các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 50% sau dịch. Khách ít nên các doanh nghiệp không thể tăng giá vé trong thời điểm này, vì thế nguy cơ lỗ của doanh nghiệp càng lớn. Còn với các hãng taxi, doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi, các hãng phải đăng ký kê khai giá, báo cáo với sở giao thông vận tải...
Do đó, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp taxi đang đứng trước thế lưỡng nan. Việc cơ quan điều hành cho tăng giá xăng “sốc” như vừa qua là chưa hợp lý lúc này. Lẽ ra, nên có các biện pháp để kiềm giữ giá xăng dầu, chẳng hạn như giảm thuế bảo vệ môi trường để tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Còn với xi măng, các doanh nghiệp cũng đua nhau điều chỉnh giá. Cụ thể, Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn (Thanh Hóa) tăng giá bán xi măng bao và rời lên 80.000 đồng/tấn từ ngày 20/10; công ty xi măng Chinfon (TP Hồ Chí Minh) tăng giá bán xi măng PCB 40- PCB 50 là 100.100 đồng/tấn từ ngày 1/11; Cty xi măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương) tăng giá bán 50.000 đồng/tấn từ ngày 25/10…
Ông Nguyễn Hoành Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng Bỉm Sơn cho rằng, tăng giá xi măng là điều tất yếu, bởi hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất xi măng đều tăng đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Xây dựng kiến nghị điều chỉnh giá thép.
“Hiệp hội đang hoàn tất thủ tục, đánh giá tác động của giá nhiên liệu đến hàng hóa khác và sẽ sớm có công văn đề nghị các bộ Tài chính, Xây dựng…, trình Thủ tướng Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ. Nếu chúng ta không có chính sách tháo gỡ kịp thời, chắc chắn giá thành xây dựng công trình sẽ tăng từ 10 đến 15% trong thời gian tới”, ông Hiệp nói.
Bộ Tài chính, Công Thương nên có giải pháp sớm
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 10 tháng của năm nay tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu đã tác động làm tăng 0,98 điểm phần trăm. Tổng cục Thống kê ước tính CPI cả năm 2021 sẽ rơi vào khoảng trên dưới 2%.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) nhận định, giá xăng, dầu tăng cao, bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân, còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Bà Oanh đánh giá, những tháng cuối năm, lạm phát có thể sẽ chịu tác động của một số yếu tố như giá xăng dầu, nguyên vật liệu, lương thực. Trong đó, giá nguyên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng. “Trong những tháng tới, giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng vì vào dịp Tết”, bà Oanh nhận định.
Đối với mặt hàng xăng dầu, theo bà Oanh, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính nên: Chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp đề xuất các giải giáp giảm thuế, phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI; Đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng cần thúc đẩy các giải pháp tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước hơn thị trường xuất khẩu; Nghiên cứu giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn cho nông dân chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản…
Theo Ngọc Mai - Việt Linh (Tiền Phong)