Áp lực giá xăng, dịch vụ xe công nghệ ồ ạt tăng giá

07/03/2022 10:12:37

Grab vừa thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ bắt đầu từ ngày 10/3 để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng. Trong khi đó, ứng dụng Be đã tăng giá từ 1 tháng trước...

Grab Việt Nam cho biết việc điều chỉnh giá cước sẽ giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế để họ có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, đồng thời khuyến khích đối tác hoạt động tích cực và phục vụ người dùng tốt hơn

Cụ thể, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP.HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TP.HCM.

Tại Hà Nội, dịch vụ này có giá cước nâng lên 34.300 đồng 2 km đầu, 11.800 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá cước trên chưa bao gồm thời gian di chuyển sau 2 km đầu, dao động từ 430 đến 590 đồng mỗi phút theo từng dịch vụ và thành phố.

Dịch vụ GrabCar cũng tăng giá cước tại các tỉnh thành như Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc, phổ biến ở mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng cho mỗi km tiếp theo với dịch vụ Grabcar 4 chỗ.

Áp lực giá xăng, dịch vụ xe công nghệ ồ ạt tăng giá
Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Dịch vụ GrabBike cũng được điều chỉnh tăng giá cước. Tại TP.HCM, giá cước mới của dịch vụ này ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Ngoài 2 thành phố lớn, dịch vụ GrabBike tại 30 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh tăng để thích ứng giá xăng, phổ biến là mức cước tương tự như tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP.HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.

Cước dịch vụ GrabFood trên toàn Việt Nam được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GrabMart có giá cước lên mức 17.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 6.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Trong khi đó, ứng dụng Be đã tăng giá cước tại Hà Nội từ ngày 10/2. Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.

Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.

Đại diện Vinasun mới đây thừa nhận khả năng phải tăng giá nếu thuế, phí xăng dầu không nhanh chóng giảm. Tương tự, Tập đoàn Mai Linh cũng cho biết không "gồng" nổi các loại chi phí. Ngoài giá nhiêu liệu đầu vào đang tăng ở mức hai con số, các chi phí khác trong mùa dịch mà họ phải gánh cũng đi lên.

Còn đại diện Gojek cho biết hãng vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước bất chấp giá xăng tăng vọt. Đơn vị này khẳng định việc xây dựng cước phí ban đầu đã có sự tính toán khi các yếu tố tác động thay đổi, không thể dễ dàng điều chỉnh trong ngắn hạn.

Sau 6 lần tăng liên tiếp, giá xăng đang tiến sát 27.000 đồng và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi lít xăng RON95 đắt thêm 7.837 đồng; E5 RON92 là 8.220 đồng và dầu diesel đắt hơn 7.067 đồng.

PN (Nguoiduatin.vn)