Tuy nhiên, một "cú ngược dòng" ấn tượng đã diễn ra vào cuối phiên thứ Năm khi lực mua từ các nhà đầu tư châu Âu và Bắc Mỹ bất ngờ tăng vọt, kéo giá vàng phục hồi mạnh mẽ, vượt qua ngưỡng 3.250 USD.
Dù vậy, đà tăng này không duy trì được lâu. Việc không thể vượt qua các ngưỡng kháng cự quan trọng khiến giá vàng quay đầu giảm vào cuối tuần, chốt phiên ở mức 3.163 USD/ounce. Nỗ lực đẩy giá trở lại vùng 3.200 USD của nhà đầu tư Bắc Mỹ cũng không thành công.
Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng giao ngay trên sàn Kitco dừng ở mức 3.201 USD/ounce.
Các chuyên gia cho rằng, tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu và sự tăng giá của đồng USD là những yếu tố chính gây áp lực giảm lên giá vàng.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư "bắt đáy" vào cuối tuần cho thấy vàng vẫn nhận được sự quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.
Ông Sean Lusk, Giám đốc tại Walsh Trading, nhận định rằng chiến lược thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát huy hiệu quả, mang lại tâm lý lạc quan hơn cho thị trường. Ông cho rằng sự rõ ràng hơn về các vấn đề bất định trước đây, như thỏa thuận thương mại với Anh và hợp tác tiềm năng với Trung Đông, đang làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng.
Ông Lusk cũng lưu ý rằng đợt điều chỉnh giá vàng hiện tại là cần thiết sau khi giá từng tăng mạnh lên mức 3.500 USD/ounce. Ông cảnh báo mốc hỗ trợ quan trọng là 3.180-3.200 USD, và nếu ngưỡng này bị phá vỡ, giá vàng có thể rơi về mốc 3.000 USD.
Đồng quan điểm, ông Kevin Grady, Chủ tịch Phoenix Futures and Options, dự báo giá vàng có khả năng tiếp tục giảm trong ngắn hạn do tâm lý thị trường chung đang cải thiện. Ông cho rằng khi các thỏa thuận thương mại được công bố, giá vàng có thể kiểm tra lại mốc 3.000 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán đang cho thấy tín hiệu phục hồi khi tâm lý đầu tư tích cực trở lại, khiến nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, tạo áp lực lên vàng.
Ông Grady cũng chỉ ra khối lượng giao dịch vàng gần đây rất thấp, chủ yếu từ giới đầu cơ, và nhiều ngân hàng đang chờ đợi các thỏa thuận thương mại được giải quyết. Mốc 3.000 USD/ounce vẫn là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cần theo dõi chặt chẽ.
PV (SHTT)