Giá heo hơi xuống đáy, giá thịt heo 'trên trời'

23/10/2021 13:49:54

Ngành chăn nuôi heo đang rơi vào "khủng hoảng giá rẻ" trong khi bà nội trợ vẫn phải mua thịt heo giá cao do cung - cầu còn chênh lệch và ít người tham gia kinh doanh

Sau hơn 3 tuần TP HCM "mở cửa" trở lại, giá heo hơi vẫn chưa tăng như kỳ vọng dù đây là nơi tiêu thụ thịt heo lớn nhất khu vực phía Nam. Theo ghi nhận, giá heo hơi loại 1 (trọng lượng 90-115 kg/con, nhiều nạc) quanh mức 40.000 đồng/kg, heo quá lứa (hơn 120 kg/con) chỉ hơn 30.000 đồng/kg.

Bán heo hơi dưới giá thành

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, người nuôi heo đang rơi vào thế khó hơn cả giai đoạn khủng hoảng giá rẻ năm 2017. Thời điểm đó, giá heo hơi quanh mức 25.000 đồng/kg nhưng giá thành chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng/kg. Hiện nay, giá heo hơi khoảng 30.000-40.000 đồng/kg nhưng giá thành lên tới 55.000-70.000 đồng/kg do tất cả chi phí đều tăng.

"Người nuôi đã bán dưới giá thành trong nhiều tháng liền. Nguyên nhân ngoài nguồn cung dồi dào đến mức dư thừa trong khi nhu cầu thị trường yếu thì còn do giá heo tại Trung Quốc quá thấp khiến giá heo hơi Việt Nam khó tăng. Do vậy, người chăn nuôi không dám tái đàn" - ông Đoán ngao ngán.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, lượng thịt heo về TP HCM ngày 22-10 đạt gần 5.000 con, giảm gần 1% so với hôm trước và tương đương số liệu cách đây 10 ngày. Như vậy, việc chợ đầu mối Hóc Môn - chợ sỉ thịt heo lớn nhất TP HCM - mở cửa trở lại rạng sáng cùng ngày chưa tạo ra thay đổi đáng kể cho thị trường.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi các "sạp tự phát" bán sỉ thịt heo trên Quốc lộ 22 (kéo dài từ ngã tư An Sương đến chợ đầu mối Hóc Môn) giao dịch rất sôi động hằng đêm.

Ông Nguyễn Hoàng Tấn, chủ sạp Tiến Trang (một trong những sạp thịt heo lớn nhất tại chợ đầu mối Hóc Môn), cho hay trong đêm đầu tiên chợ chính thức tái hoạt động sau hơn 3 tháng đóng cửa chống dịch Covid-19, ông đã nhập về 60 con heo nhưng không tiêu thụ được con nào dù đã thông báo trước với bạn hàng.

"Đến gần sáng, tôi phải cho xe đưa hết 120 mảnh heo ra khỏi chợ, phần thì bán rẻ cho những bạn hàng cũ, phần thì làm từ thiện. Với tình hình này, tôi phải tạm ngưng nhập heo về chợ, đợi chừng nào địa phương giải tán hết các điểm bán tự phát bên ngoài, chừng đó tôi sẽ quay lại kinh doanh" - ông Tấn cho hay.

Giá heo hơi xuống đáy, giá thịt heo 'trên trời'
Giá thịt heo bán lẻ giảm chưa tương xứng với giá heo hơi. Ảnh: NGỌC ÁNH

Bà nội trợ mong bình ổn giá

Theo số liệu của Sở Công Thương TP HCM, đến ngày 22-10, toàn thành phố có 103 chợ hoạt động, chủ yếu tiểu thương ngành hàng thực phẩm quay lại bán hàng. Như vậy, còn đến 120 chợ (tương đương hơn 50% số chợ) đang tạm đóng cửa, khiến lượng cung ứng, tiêu thụ thịt heo ở kênh chợ truyền thống vẫn còn thấp so với mức bình quân trước khi xảy ra đợt dịch Covid-19 lần thứ 4.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, giá thịt heo các loại như chân giò, thịt đùi, nạc, vai, ba rọi... xoay quanh mức 80.000-150.000 đồng/kg. Một số điểm bán chào giá thấp hơn nhưng thịt không ngon nên bán chậm. Nhiều bà nội trợ bày tỏ mong muốn giá thịt heo sớm trở về mức bình ổn, giảm tương xứng với giá heo hơi xuất chuồng.

Lý giải mức chênh lệch rất lớn giữa giá heo hơi và giá bán lẻ thịt heo đến tay người tiêu dùng, một chuyên gia bán lẻ cho rằng cung - cầu thị trường vẫn chưa cân bằng, người bán vẫn có tâm lý bán hàng trong dịch nên giữ giá cao. Các chủ sạp thịt heo ở chợ đầu mối Hóc Môn thì cho rằng do có ít người tham gia kinh doanh nên giá heo sỉ thấp nhưng giá bán lẻ cuối cùng lại cao.

Lãnh đạo một công ty chăn nuôi có thị phần lớn tại TP HCM nhìn nhận giá bán lẻ thịt heo giảm chưa tương xứng với mức sụt giảm của giá heo hơi là do nền kinh tế chưa trở lại hoạt động như bình thường.

"Hàng quán đã được hoạt động nhưng chỉ cho bán mang về nên lượng bán ít. Do đây là kênh tiêu thụ chính các loại phụ phẩm như xương, đầu lòng... nhưng hiện không tiêu thụ được nên giá trị con heo "đổ" vào các phần sản phẩm thường được bà nội trợ mua về để chế biến món ăn trong gia đình, kéo giá cao lên. Trong đợt cao điểm giãn cách, công ty tôi cũng phải hủy lượng phụ phẩm rất lớn" - lãnh đạo công ty này giãi bày.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), cũng xác nhận tình trạng khó tiêu thụ phần phụ phẩm. Tuy nhiên, công ty đã bắt đầu giảm giá 8 mặt hàng bình ổn với mức từ 8%-23% (tương đương 12.000-15.000 đồng/kg) từ ngày 22-10. Ngoài ra, VISSAN còn kết hợp với các siêu thị chạy thêm chương trình giảm giá sâu đến hết tháng 10. Theo đó, sườn non giảm còn 198.400 đồng/kg, ba rọi 142.400 đồng/kg, cốt lết gần 90.000 đồng/kg; các loại xương khoảng 66.000-68.000 đồng/kg.

Vựa nuôi heo miền Trung điêu đứng

Nhiều người nuôi heo ở huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) - vựa heo lớn nhất miền Trung với tổng đàn khoảng 300.000 con - đang điêu đứng vì giá giảm sâu, tiêu thụ chậm. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết đã làm việc với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam nhằm đẩy mạnh thu mua heo để cấp đông, dự trữ, góp phần giải quyết đầu ra trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị ngân hàng giãn nợ cho các cơ sở, hộ chăn nuôi heo; cho vay thêm để hộ dân có điều kiện tái đàn. Ngoài ra, địa phương cũng đã làm việc với hơn 10 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi đóng trên địa bàn để xem xét giảm giá bán trong giai đoạn khó khăn này.

Đ.Anh

Sớm có giải pháp bình ổn

Chiều 22-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo và bàn giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường nhằm bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, người tiêu dùng cũng như ổn định sản xuất.

Theo thông tin từ các bộ, ngành, từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục giảm, đặc biệt giảm mạnh từ tháng 9 vừa qua. Giá heo hơi hiện dao động từ 35.000-45.000 đồng/kg, một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định nguyên nhân dẫn tới giá thịt heo giảm sâu chủ yếu là do giảm cầu. Bên cạnh đó, việc lưu thông, vận chuyển gặp khó khăn do dịch Covid-19; nguồn cung dồi dào từ thịt gà, thủy hải sản... cũng ảnh hưởng đến giá heo xuất chuồng.

Mặt khác, chu kỳ sản xuất, tăng trưởng, tái đàn vẫn diễn ra bình thường dẫn đến ứ đọng nguồn cung. Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT quyết định lập 2 tổ công tác phía Bắc, phía Nam để tổ chức kết nối giao thông; thúc đẩy xuất khẩu, xúc tiến thương mại... Với sự cải thiện trong lưu thông hàng hóa những ngày gần đây, giá heo hơi đã tăng trở lại.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định mức chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý. Việc tìm ra nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết. Dù việc chăn nuôi, tiêu thụ vận hành theo cơ chế thị trường song trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan nhà nước.

Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, bảo đảm lợi ích hài hòa của các bên. Riêng về hỗ trợ cho người chăn nuôi, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tài chính cụ thể.

Ở góc độ tổng thể, các bộ, ngành, địa phương, các trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế. Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức thanh - kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị; thanh - kiểm tra sự chênh lệch giữa giá thịt heo hơi và giá bán lẻ tại chợ, siêu thị; rà soát lại việc xuất nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.

B.Trân

Theo Ngọc Ánh - Phương An (Nld.com.vn)