Giá lợn hơi 'rơi tự do' xuống dưới 30.000 đồng/kg, lo thiếu thịt lợn cuối năm

20/10/2021 10:11:05

Giá lợn hơi đang giảm mạnh, chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây - điều này khiến nhiều người lo ngại nông dân sẽ bỏ chuồng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cuối năm.

Giá lợn hơi đang giảm mạnh, chỉ còn dưới 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây - điều này khiến nhiều người lo ngại nông dân sẽ bỏ chuồng, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn cuối năm.

Giá lợn hơi thấp kỷ lục

Từ đầu năm tới nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm liên tục, hiện phổ biến cả ba miền ở mức 30.000-40.000 đồng/kg. 

Cụ thể, ngày 18.10, giá lợn hơi khu vực miền Bắc xuống còn 30.000-35.000 đồng/kg, một số trường hợp thấp nhất dưới 30.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp kỷ lục trong 4 năm trở lại đây.

Ông Ngô Văn Hoà (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vừa bán đàn lợn hơn chục con với giá "rẻ không tưởng" 28.000 đồng/kg. Ông cho hay, một con lợn nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng hơn 1 tạ, ông phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng, bao gồm các loại chi phí. Trong đó, tiền giống 1 triệu đồng, chi phí tiền cám hết hơn 4,2 triệu đồng, chi phí các loại khác hết khoảng 100.000 đồng.

"Mấy năm trở lại đây, chưa khi nào tôi nuôi lợn mà giá lại "rơi tự do" như vậy. Giá rẻ mà thương lái còn không muốn mua.  Bán xong lứa lợn vừa nuôi, tôi lỗ hơn 1 triệu đồng/con", ông Hoà nói.

Giá lợn hơi 'rơi tự do' xuống dưới 30.000 đồng/kg, lo thiếu thịt lợn cuối năm
Giá lợn hơi giảm kỷ lục. Ảnh: Thế Hưng 

Ông Trần Văn Ngũ (Bắc Ninh) - chủ trang trại chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 500 con lợn thịt - cho hay, giá thức ăn chăn nuôi tăng lần thứ 9 trong năm qua khiến ông thua lỗ. Nên đến thời điểm hiện tại, mặc dù gần cuối năm nhưng gia đình ông chưa có kế hoạch nuôi lại.

"Tổng vốn chi ra nuôi một con lợn mất khoảng gần 6 triệu đồng nhưng hiện nay chỉ bán được 4,2-4,5 triệu đồng/con", ông nói, đồng thời cho biết, cứ một con lợn bán ra là chịu lỗ gần 2 triệu đồng và số tiền đó chưa tính tiền khấu hao chuồng trại.

Có thiếu thịt lợn cuối năm?

Việc giá lợn hơi giảm kỷ lục, người nuôi bỏ chuồng khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt từ giờ đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022 đang cận kề.

Nhận định kế hoạch sản xuất để đảm bảo nguồn cung dịp Tết, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Theo kịch bản chúng tôi tính toán - năm 2021, toàn ngành chăn nuôi sẽ dự trữ khoảng 6,2 triệu tấn thịt các loại; 1,2 triệu tấn sữa và 16 tỉ quả trứng.

Đến thời điểm này (9 tháng đầu năm), ngành chăn nuôi đã dự trữ được 4,7 triệu tấn thịt các loại, 12 tỉ quả trứng và gần 900.000 tấn sữa. Nếu dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng tốt lên như hiện nay, thì ngành nông nghiệp sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trước Tết Nguyên đán".

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay có nhiều vấn đề đang làm khó ngành chăn nuôi. Khó là vì tiêu thụ nông sản, thực phẩm bị giảm quá nhiều do giãn cách xã hội, nhất là ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM. Riêng ở TPHCM, theo thống kê, có đến 95% thịt các loại và 90% trứng phải nhập từ các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. 

"Thời gian giãn cách xã hội vừa rồi, khiến nhu cầu ở các thành phố lớn giảm hết - khi các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể... phải đóng cửa. Bên cạnh đó, khi giãn cách, người dân không có việc làm, không có thu nhập, điều này đồng nghĩa với việc tiêu dùng cũng sụt giảm nghiêm trọng. 

Tiêu dùng giảm, khiến ngành chăn nuôi bị ứ đọng khoảng 30% về mặt số lượng. Chưa kể, hiện nay giá lợn hơi rất thấp, trung bình từ 40.000-50.000 đồng/kg lợn hơi; có những nơi chỉ khoảng 30.000-35.000 đồng/kg lợn hơi. Việc chăn nuôi ứ đọng sẽ rất khó để bà con nông dân tái đàn, phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm" - ông Trọng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, để khắc phục tình trạng trên và để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, bộ, ngành và các địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho ngành chăn nuôi. Từ đó, mới có thể đảm bảo được nguồn thực phẩm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn thu mua cho người dân ở mức độ tối đa bằng việc lưu kho khi giá gia cầm hạ quá thấp. Điều này giúp chủ động một lượng nguồn cung, vừa giải phóng ứ đọng trong chuồng.

Ngoài ra, để kích cầu sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước gia hạn các khoản vay ngắn hạn để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị dòng tiền trả nợ, đáo hạn các khoản vay dài hạn, nới rộng hạn mức cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay tạm trữ.

Theo Cường Ngô (Lao Động)

Nổi bật