Liên tiếp xảy ra các vụ sập sàn tiền ảo như Coolcat, Busstrade và mới nhất là Wolf Broker, đã đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý: Làm sao để triệt xóa được mô hình lừa đảo này.
Trong bài viết trước, Báo Lao Động đã phản ánh vụ việc sàn tiền ảo Wolf Broker bất ngờ bị sập, không thể thanh khoản. Cộng đồng nhà đầu tư hoang mang vì không thể rút tiền. Sau đó, nhiều nạn nhân đã gửi đơn tố cáo chủ dự án này đến Cơ quan Công an.
Trước Wolf Broker, các sàn tiền ảo Coolcat, Busstrade “bốc hơi” cũng khiến cộng đồng hàng nghìn nhà đầu tư lao đao. Điểm chung của các sàn này đều là hoạt động đa cấp trái phép núp bóng dưới cái tên mỹ miều là: đầu tư tiền ảo, tài chính để huy động vốn, sau đó biến mất.
Cần dẹp bỏ đa cấp trái phép “đội lốt” dự án tiền ảo
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu (Bộ Công Thương) cho biết thời gian gần đây tiền ảo được chấp nhận sử dụng tại một số quốc gia như một loại tiền và có thể được giao dịch trên các sàn giao dịch trực tuyến.
Vì vậy, các đối tượng tổ chức mô hình đa cấp trái phép tại Việt Nam thời gian qua đã sử dụng những dự án liên quan đến các sản phẩm công nghệ mới đặc biệt là tiền ảo để xây dựng hệ thống, thu hút người dân và huy động vốn trái pháp luật.
Theo dự thảo tờ trình về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cơ quan chức năng cũng đã nhìn thấy nhiều điểm phức tạp, biến tướng của loại hình này.
Chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn cho rằng Nghị định mới cần tập trung dẹp bỏ những mô hình đa cấp lừa đảo, trục lợi bất chính từ người dân.
"Thời gian qua, các mô hình lừa đảo đa cấp biến tướng không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của nhiều người dân mà còn gây xáo trộn, làm mất an toàn trong đời sống kinh tế, xã hội.
Nó cũng làm cho một lượng tiền nếu đầu tư vào các mục tiêu khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội, lại đổ vào kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến sức mạnh của nền kinh tế bị suy giảm.
Cần có các quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc với các hành vi kinh doanh đa cấp trước khi được cấp phép hay những hành vi kinh doanh bị cấm trong hoạt động kinh doanh tại Điều 5 Nghị định 40/2018/NĐ-CP để lập lại kỷ cương và sự công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh đa cấp" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Lỡ "sập bẫy" cần làm gì?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, với những mô hình đa cấp trái phép như Wolf Broker, Busstrade hay Coolcat thì những người tự nhận mình là nạn nhân cũng có thể vi phạm pháp luật nếu lôi kéo người khác tham gia vào. Chỉ những nhà đầu tư ở cấp cuối cùng mới là nạn nhân thực sự.
"Các nạn nhân có thể gửi các thông tin người kêu gọi, tài khoản nhận tiền đến cơ quan chức năng để điều tra vụ việc. Nạn nhân cần thu thập càng nhiều càng tốt các thông tin liên quan và gửi đến cơ quan điều tra", luật sư Lực cho biết.
Bên cạnh đó, luật sư Lực cho rằng nhà đầu tư nên đặt ra 3 câu hỏi về việc góp vốn cho một dự án:
1. Đã có hành lang pháp lý nào cho hoạt động này chưa? Nếu chưa, quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được bảo vệ như thế nào khi sàn gặp vấn đề?
2. Sàn này đã tồn tại bao lâu? Bao nhiêu người sử dụng? Công ty thành lập và sở hữu sàn là ai? Đã được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa?
3. Bản thân nhà đầu tư có kiến thức về tài chính và các nguyên tắc đầu tư tài chính hay chưa? Nhà đầu tư đã hiểu về cơ chế vận hành của sàn hay chưa?
Theo Vân Trường (Lao Động)