Rất nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn thư tố cáo đến cơ quan chức năng ở Thành phố Hồ Chí Minh về việc bị chiếm đoạt tài sản do tham gia đầu tư tài chính trên sàn giao dịch đảm bảo có tên Busstrade. Theo tìm hiểu, Busstrade là nền tảng giao dịch tiền ảo theo quyền chọn nhị phân, được giới thiệu là bảo hiểm 100% vốn và lợi nhuận lên tới 30%/tháng. Người tham gia Busstrade sẽ dự đoán xu hướng và chọn giao dịch Sell hay Buy trong 30 giây, sau đó ngồi chờ kết quả, nếu đoán đúng sẽ được nhận mức lợi nhuận lên tới 95%. Busstrade có giới thiệu chính sách bảo hiểm 100% vốn.
Những người đầu tư cho biết, họ tham gia đầu tư vào sàn này từ thời điểm cuối năm 2020. Thời gian qua, việc chi lãi vẫn ổn định. Vào ngày 22.4.2021, những người đầu tư trên sàn Busstrade nhận được thông tin kêu gọi nâng vốn và đóng bảo hiểm 2% với khoản lãi được hứa hẹn như sau: 1.000 USD nhận lợi nhuận 5%; 2.000 USD nhận lợi nhuận 5%; 5.000 USD nhận lợi nhuận 7%.
Tuy nhiên, liền ngay sau đó vào ngày 23.4, người đầu tư đã không truy cập vào sàn này để giao dịch được. Busstrade đã có động thái trấn an người tham gia khi sàn không truy cập được. Lý do đưa ra là bảo trì hệ thống và sẽ mở lại vào ngày 5.5.
Đến hẹn, sàn Busstrade mở lại nhưng yêu cầu người chơi chuyển tiền từ USD sang BToken với tỉ giá 0,01 BToken đổi lấy 1 USD, kèm thêm khoản trừ 10% phí. Như vậy, 1 USD sẽ đổi được 0,009 BToken. Busstrade yêu cầu người tham gia đổi tiền trước ngày 8.5 và mọi giao dịch sau đó sẽ không chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đến ngày 7.5, website của sàn giao dịch Busstrade bỗng bất ngờ bị "sập" khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập vào tài khoản, trong khi các cấp lãnh đạo thì không thể liên lạc được. Những người đầu tư đã không thể rút tiền về. Theo thông tin những người đầu tư cho biết, không chỉ có ở TPHCM mà rất nhiều người đầu tư ở rất nhiều tỉnh thành tham gia sàn này cũng đang ở trong tình trạng "đứng ngồi không yên" vì lo sợ số tiền đầu tư của mình có nguy cơ mất trắng.
Thời gian qua, các sàn giao dịch ngoại hối, vàng, tiền ảo hay còn gọi là sàn "tài chính ma" rộ lên như nấm sau mưa. Sàn này sập, sàn khác xuất hiện, tài sản bị lừa đảo của người bị hại lên đến con số hàng trăm tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đơn cử, mới đây tại TPHCM là vụ tố cáo sàn tài chính Coolcat có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Trước đó, vào cuối 2020, Công an TPHCM đã phát đi thông tin cảnh báo những người tham gia đầu tư vào hoạt động của các trang Wefinex.net, Raidenbo.com, Bitono.io… để huy động vốn, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.
Có thể thấy, những lời cảnh báo liên tục đưa ra cho những người đầu tư về độ rủi ro lớn của các sàn tài chính "ma" nhưng tất cả cứ như "gió vào nhà trống". Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Duy Phương - Giám đốc quỹ đầu tư DG Investment, trên thực tế, số người chơi ngày càng tăng lên, số tiền các nạn nhân bị mất sau khi sàn ảo sập cũng tăng từ hàng tỉ đồng lên đến hàng trăm tỉ đồng. Không ai có thể hình dung được rồi đây sẽ có những hệ lụy nào xảy ra đối với những người chơi trắng tay và gia đình của họ. Nhưng những sàn giao dịch ma vẫn liên tục được cho ra đời, cái này mất lại xuất hiện cái khác một cách nhanh chóng, dễ dàng và bủa vây giăng bẫy các “con mồi”.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Phương, có nhiều nguyên nhân khiến cho các sàn tài chính ảo có thể dễ dàng lừa người dùng. Trong đó, có không ít người lần đầu tiên nghe nói đến mô hình kiếm tiền "bánh vẽ" hấp dẫn như vậy, nên rất dễ bị thuyết phục. Thậm chí, có người sau khi bị lừa đảo lại tiếp tục gia nhập các sàn khác để mong gỡ gạc, từ đó dẫn đến tình trạng các sàn lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều và dễ dàng "đánh bẫy" các nạn nhân.
Tuy nhiên, hiện tượng nguy hiểm nhất chính là việc hiện nay có nhiều người biết rõ những sàn này sẽ sập song vẫn ùn ùn tham gia vì bản thân có được lợi ích nhất định. Những người này dày dặn kinh nghiệm, họ đi hết sàn này đến sàn khác kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia. Rồi khi có lời, họ sẽ tìm cách tháo chạy bỏ lại những nạn nhân sau bị thiệt hại nặng nề.
Theo Gia Miêu (Lao Động)