Bật khóc vì lãi vay cao
“Khi ngân hàng gửi thông tin hợp đồng để đàm phán cho vay, đã có hội viên của chúng tôi khóc khi nhìn thấy mức lãi suất cao”, thông tin trên được ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện TP.HCM (Hamee), nói tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp TP.HCM diễn ra vào ngày 28/2.
Ngoài vấn đề lãi suất, ông Tống cũng bức xúc khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay, có doanh nghiệp muốn rút tài sản thế chấp, chuyển sang vay vốn tại ngân hàng khác có lãi suất thấp hơn nhưng nhân viên lấy cớ sếp bận từ tuần này qua tuần khác, không ký. Cụ thể, Ngân hàng Vietinbank Tân Bình cố tình làm khó việc rút tài sản thế chấp, trong khi lãi suất cho vay lại cao.
Ông Văn Công Thật, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Cần Giờ, cho rằng, doanh nghiệp làm ra bao nhiêu thì đều phải trả hết lãi vay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay lãi suất thấp.
Trong khi đó, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, cho hay, trước đây, ngân hàng vẫn sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng khoảng 30-50 tỷ đồng bình thường. Bất ngờ, từ năm 2018, ngân hàng không chấp nhận thế chấp cho vay bằng đất nông nghiệp, khiến dòng tiền của doanh nghiệp bị cắt đột ngột.
Hiện cổ đông của công ty phải chấp nhận đi vay tiền với tư cách cá nhân, lãi suất 11-12%/năm, trong khi vay với tư cách doanh nghiệp chỉ phải chịu lãi suất 8,2%/năm, chênh lệch tới 4%/năm.
Doanh nghiệp không vay được tiền nên không đưa được vào chi phí sản xuất kinh doanh để khấu trừ. Nhiều dự án bị dở dang do nguồn tiền không liên tục, doanh nghiệp chấp nhận bán bớt đất nông nghiệp đang canh tác để có nguồn vốn. Đáng tiếc, người mua lại là dân đầu cơ đất chứ không làm nông nghiệp.
“Cần can thiệp vào cơ chế cho vay của ngân hàng thương mại, ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp, không thể bỏ rơi giữa chừng, thấy có dự án khác ngon hơn thì bỏ rơi doanh nghiệp nông nghiệp”, ông Vũ chia sẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP.HCM trực tiếp vào cuộc
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đã giải đáp về cơ chế tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ, sử dụng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc 11 nhóm ngành: hàng không; vận tải; kho bãi; lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; công nghiệp chế biến chế tạo; phần mềm máy tính; giáo dục; xây nhà ở công nhân, phát triển nhà ở xã hội…
Gói hỗ trợ lãi suất này thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Các đơn vị này thẩm định, xét duyệt, giải ngân cho vay, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc nhóm đối tượng trên thì sẽ được hỗ trợ 2% lãi suất.
Hiện doanh số giải ngân cho vay tại TP.HCM lũy kế đã đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, tuy nhiên, tốc độ cho vay vẫn chậm. Nguyên nhân, gói cấp bù lãi suất từ nguồn ngân sách, do đó, đòi hỏi tính công khai, minh bạch, đúng, đủ điều kiện. Ngoài ra, khi đã sử dụng tiền ngân sách thì cần kiểm tra, giám sát, hậu kiểm. Chính doanh nghiệp được mời lên tiếp cận vốn vẫn còn tâm lý e ngại.
Về giải pháp, Chính phủ, NHNN đã xem xét, cân nhắc các vấn đề, những khó khăn thuộc về chính sách sẽ được tháo gỡ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ.
Đối với các trường hợp khó tiếp cận do thủ tục hành chính, cán bộ nhũng nhiễu, cố tình kéo dài thời gian, NHNN chi nhánh TP.HCM sẽ trực tiếp xử lý.
Đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, không đủ nguyên tắc tín dụng, doanh nghiệp cần chia sẻ với ngân hàng. Bởi, nếu không đủ điều kiện vay vốn thì rất khó giải ngân cho vay, nguy cơ dẫn đến nợ xấu cho ngân hàng.
“Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ này ở vấn đề gì, chúng tôi sẽ trực tiếp làm việc với các ngân hàng thương mại. 3 bên cùng ngồi lại tháo gỡ khó khăn”, ông Lệnh nói.
Thứ hai, chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vẫn đang triển khai.
Đây là chương trình cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng, hiện lãi suất trần không quá 5,5%/năm, dư nợ khoảng 200.000 tỷ. Nhưng với vòng luân chuyển vốn nhanh, doanh số cho vay đạt khoảng 600.000 tỷ/năm trên địa bàn TP.HCM, hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Điều kiện tiếp cận chương trình, doanh nghiệp phải có kết quả kinh doanh dương 3 năm liền kề, minh bạch, công khai về mặt tài chính.
Cũng theo ông Lệnh, năm 2023, định hướng của Chính phủ và NHNN là tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhóm ngành là động lực của tăng trưởng kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm của NHNN đưa ra là 14-15%, mở ra khả năng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Mặt tích cực khác, ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất tiền gửi, tác động kéo giảm lãi suất cho vay.
Ký kết cho 64 doanh nghiệp vay 11.000 tỷ đồng
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh số các tổ chức tín dụng đã thực hiện tại TP.HCM ước đạt 469.000 tỷ đồng. Tại Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp TP.HCM, 16 ngân hàng thương mại cũng ký kết với 64 doanh nghiệp đã được thẩm định khoản vay, tổng số tiền thực hiện ký kết tín dụng khoảng 11.000 tỷ đồng.
Theo Trần Chung (VietNamNet)