Theo khảo sát của VietNamNet ngày 22/2, lãi suất tiết kiệm online tiếp tục giảm nhẹ ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhóm Big4.
Chênh lệch lãi suất tiết kiệm online giữa nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn được duy trì ở mức đáng kể, dù biểu lãi suất tiết kiệm do các ngân hàng công bố trên website là bằng nhau ở hầu hết các kỳ hạn.
Trong đó, Agribank và Vietcombank đang là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động mức thấp nhất thị trường.
Dù vậy, vẫn có sự chênh lệch đáng kể về lãi suất huy động online giữa hai nhà băng này. Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng được Vietcombank và hầu hết các ngân hàng thương mại duy trì 6%/năm, trong khi Agribank vẫn áp dụng mức lãi suất chỉ 5,1% (lãi suất công bố trên website của cả hai ngân hàng này là 4,9%/năm).
Tuy nhiên, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại Agribank lại có phần vượt trội hơn so với Vietcombank, lần lượt là 7,6% và 7,4%/năm.
Ở các kỳ hạn còn lại, Vietcombank trả lãi suất cao hơn so với Agribank. Như kỳ hạn 6-9 tháng tại Vietcombank là 6,5%/năm, trong khi tại Agribank là 6,3%/năm.
VietinBank và BIDV cùng áp dụng lãi suất 6%/năm cho các kỳ hạn từ 1-5 tháng. Sự chênh lệch bắt đầu xuất hiện tại kỳ hạn 6-9 tháng, lần lượt là 7,8% và 7,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất cao nhất tại hai ngân hàng này là 8,2%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng.
Đáng chú ý, BIDV đã giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn dài sau 12 tháng xuống còn 7,8%/năm, từ mức 8,2%/năm. Trong khi VietinBank vẫn duy trì lãi suất 8,2%/năm cho các kỳ hạn này.
So với lãi suất niêm yết trên website và tại quầy, lãi suất tiết kiệm online tại VietinBank được cộng thêm 1,1% đối với tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng; cộng thêm 0,6% đối với kỳ hạn 3-5 tháng; cộng thêm tới 1,8% đối với kỳ hạn 6-9 tháng; và cộng thêm 0,8% cho các kỳ hạn còn lại.
Diễn biến lãi suất ngày hôm nay cũng ghi nhận mức giảm nhẹ lãi suất huy động tại một số ngân hàng TMCP vốn đang duy trì mức lãi suất cao trong ngành.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-5 tháng vẫn là 6%/năm. Nhưng lãi suất huy động kỳ hạn 6-11 tháng đang áp dụng 8,8%/năm, giảm nhẹ so với mức lãi suất 8,9% hôm đầu tuần.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng được VPBank giảm nhẹ từ 9,3% xuống còn 9,2%/năm, trong khi kỳ hạn 18-24 tháng giảm từ 9,4% xuống còn 9,3%/năm.
Đặc biệt, một trong những ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất thị trường là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng vừa giảm mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên, từ mức 9,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng vào cuối tuần trước, nay giảm xuống còn 7,8%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 9,4% xuống còn 8,1%/năm, trong khi kỳ hạn 12 tháng tiếp tục giữ nguyên mức 9,5%/năm. Các kỳ hạn sau 12 tháng giảm từ 9,45% xuống còn 9,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng cho thấy động thái giảm lãi suất huy động, từ mức 9,3-9,45%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng hôm đầu tuần, nay đã giảm xuống mức chung 9,15%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn 10-24 tháng trước đó được NCB áp dụng mức chung 9,45%/năm, nhưng nay giảm xuống mức 9,25%/năm (kỳ hạn 10-11 tháng) và 9,3%/năm với các kỳ hạn 12-36 tháng.
Tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,7% xuống 8,4%/năm, kỳ hạn 9 tháng giảm từ 8,9% xuống 8,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,0% xuống còn 8,9%/năm. Các kỳ hạn sau đó vẫn được giữ nguyên mức 9,0%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ, như KienLongBank, vẫn duy trì mức lãi suất thuộc nhóm dẫn đầu với các kỳ hạn 6 tháng là 9,3%/năm, 9 tháng là 9,4%/năm, và 9,5%/năm cho các kỳ hạn 12-18 tháng.
Bên cạnh việc giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng đang rục rịch giảm lãi suất cho vay. Tuần trước, các ngân hàng MB, Sacombank, Techcombank, SeABank,... đã thông báo dành các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Agribank hôm 16/2 cũng thông báo giảm lãi suất cho vay bất động sản, mức giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)