Doanh nghiệp vận tải lao đao
Giá các mặt hàng xăng dầu vừ được công bố tiếp tục tăng trong kỳ điều chỉnh ngày 2.5.2019.
Như vậy, mặt hàng xăng dầu đồng loạt tăng giá lần thứ ba liên tiếp. Trong vòng hơn hai tháng, giá xăng dầu tăng gần 5000đồng/lít.
Trước đó, ngày 20.3 Bộ Công Thương công bố tăng giá điện thêm 8,36%. Việc giá xăng và giá dầu liên tục tăng khiến nhiều doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp nghiệp vận tải là ảnh hưởng nặng nhất.
Anh Nguyễn Văn Sơn (chủ doanh nghiệp vận tải S.Đ) cho biết, cả tháng nay doanh nghiệp đau đầu với bài toàn tăng giá điện và giá xăng dầu.
"Doanh nghiệp chúng tôi có hơn 15 xe chở hàng chạy từ miền Trung ra Bắc, lỡ kí hợp đồng vói khách hàng trong vòng ba tháng, không ngờ giá xăng và giá điện tăng cao, ba tháng này chúng tôi sống cầm chứng".
Mỗi chuyến hàng trung bình doanh nghiệp anh Sơn lỗ khoảng 300.000 - 500.000 nghìn đồng. "Nếu bây giờ chúng tôi tăng giá sẽ mất khách ngay, vì nhiều doanh nghiệp khác chỉ chờ có thế", anh Sơn lo lắng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội) nói, việc xăng và điện tăng giá khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực.
"Giá nhiên liệu chiếm tỷ trọng 30 - 35% trong giá thành vận tải, giá thành tăng cao, giá cước không kịp tăng, nên rất khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Không phải giá xăng tăng là giá cước có thể tăng được. Không thể tùy tiện điều chỉnh giá. Đối với vận tải hàng hóa, vận tải hành khách nếu tăng phí sẽ mất khách ngay", ông Thanh cho biết.
Theo ông Thanh, doanh nghiệp phải theo thị trường và chắc chắn phải điều chỉnh giá. "Việc điều chỉnh giá lúc nào và điều chỉnh như thế nào là do doanh nghiệp quyết định. Nhưng với thị trường này, tôi nghĩ sẽ sớm thôi", ông Thanh khẳng định.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng dầu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phải chủ động và có phương án đối phó phù hợp.
"Xăng dầu chiếm từ 25 - 30% cấu thành giá, việc điều chỉnh theo quy định của Nhà nước buộc các doanh nghiệp vận tải phải có những phương án, kế hoạch để đối phó với việc này.
Việc giá xăng dầu tăng, buộc các doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh giá cước để phù hợp, tuy nhiên đến hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi thì các hãng taxi phải đăng kí kê khai giá, báo cáo với Sở GTVT... Đó là chưa kể, khi điều chỉnh giá cước, các hãng taxi phải dừng hàng ngàn phương tiện, chi phí cho điều chỉnh cũng rất lớn, vì vậy doanh nghiệp vận tải đang chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng nhưng chưa dám tăng giá.
Xăng dầu tăng giá "bền vững", giá thành vận tải sẽ tăng
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu quốc tế, nên việc tăng giá là không thế tránh khỏi. "Trong thời gian vừa qua, như đã biết giá xăng dầu thế giới đã tăng 70 USD - 80 USD/thùng. Thế nên việc tăng giá xăng dầu là việc bất khá kháng đối với nền kinh tế Việt Nam".
Mặc dù Việt Nam sản xuất được khoảng 30% số xăng dầu nhu cầu trong nước, tuy nhiên nếu có đáp ứng 100% thì vẫn phải phụ thuộc vào giá của thế giới.
"Việc tăng giá xăng dầu là tăng giá bền vững, chứ không phải tăng nhất thời. Nếu là tăng nhất thời, trong một khoảng thời gian giá xăng dầu sẽ trở lại thì chúng ta có thể xả quỹ bình ổn để đảm báo giá xăng dầu. Tuy nhiên đây là việc tăng giá bền vững, có thể đến cuối năm nay, buộc các cơ quan quản lý phải có những biện pháp điều chỉnh phù hợp", ông Thịnh cho biết.
Theo chuyên gia, xăng dầu tác động trực tiếp vào giá thành của doanh nghiệp vận tải, một số doanh nghiệp sản xuất khác cũng chịu ảnh hưởng tương đối lớn.
"Theo đó khoảng 50% - 60% giá thành của doanh nghiệp vận tải phụ thuộc vào giá xăng dầu. Việc xăng dầu tăng giá trong thời gian vừa qua tác động khoảng 20% vào giá thành chứ không ít. Rõ ràng giá vận tải phải tăng lên. Tất nhiên nhà nước sẽ dùng các biện pháp để kiềm giữ giá xăng dầu" ông Thịnh khẳng định.
Việc tăng giá thành vận tải khiến các mặt hàng về vật liệu, nhiên liệu...sẽ tăng nhanh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: "Doanh nghiệp vận tải phải có phương án cụ thể để phù hợp với thị trường hiện tại, để đảm bảo cho doanh nghiệp "sống tốt, sống khỏe" trong vòng quay kinh tế.
Theo Vũ Hiếu (Dân Việt)