Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết:
Theo quy định tại điều 1, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Bí mật nhà nước được định nghĩa là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Nhà nước căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
Song luật sư này cho biết, trong phạm vi Tuyệt mật và Mật không đề cập đến vấn đề kinh tế.
Tại Điều 6 của pháp lệnh quy định về phạm vi Tối mật, có nêu về lĩnh vực kinh tế, nhưng, đó là các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố.
Ngoài ra, đó cũng có thể là công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố.
“Như vậy, lĩnh vực giá xăng dầu, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố không thuộc phạm vi của bảo vệ bí mật nhà nước. Do đó, không có cơ sở để Bộ Công thương đưa nội dung này vào danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý.
Việc đưa vào danh mục quản lý thông tin mật của bộ này chỉ khiến cho dư luận bức xúc, khiến cho nhân dân cảm nhận rằng việc làm đó có điều gì “khuất tất” "- Luật sư Trương Anh Tú nói.
Trước ý kiến của Bộ Công thương về việc xin đóng dấu mật báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng không nên đóng dấu Mật vào phương án giá điện.
Theo VCCI, hiện nay, các phương án giá điện vẫn được coi là tài liệu mật trước khi công bố. Thông thường, việc tăng giá điện chỉ được thông báo rộng rãi vào đúng thời điểm quyết định tăng giá có hiệu lực. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng điện gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.
VCCI đề nghị các phương án giá điện được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành. Các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.
Theo Hương Phan (Lao Động)