Ngồi trầm ngâm bên ly cà phê trên vỉa hè quận Bình Thạnh, TP.HCM, anh Nguyễn Hoàng Hà áng chừng số tiền thuế thu nhập cá nhân (TNCN) anh có thể sẽ phải nộp thêm trong thời gian tới.
“Mỗi tháng chắc phải đóng thêm khoảng 400.000-450.000 đồng tiền thuế”, người đàn ông 40 tuổi làm việc trong lĩnh vực bán lẻ nói.
Anh thẳng thắn cho hay: “Số tiền thuế mấy trăm nghìn phải đóng thêm không lớn cũng chẳng nhỏ. Tôi sẵn sàng nộp thêm thuế nếu dịch vụ công cải thiện và hoạt động hiệu quả hơn”.
Không chỉ anh Hà, không ít người lao động làm công ăn lương khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đề xuất điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính công bố mới đây.
“Người lao động có thu nhập tính thuế từ bậc 3 trở lên sẽ phải chịu nhiều thuế hơn,” chị Lan Phương, một kế toán giàu kinh nghiệm ở công ty có vốn FDI, nói.
Chị chia sẻ thêm thu nhập của nhân sự công ty chị cũng như một số công ty có vốn nước ngoài khác, sau khi trừ các khoản miễn giảm và bảo hiểm phần lớn rơi vào bậc 3.
“Nếu tính theo biểu thuế đề xuất mới thì nhân viên công ty tôi mỗi người sẽ đóng thêm 250.000-400.000 đồng mỗi tháng so với mức hiện hành. Với nhân sự cấp cao, mức chênh có thể lên đến 600.000 đồng,” chị Lan Phương nói.
Sau 10 năm áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính vừa đề xuất hai phương án thay đổi biểu thuế TNCN. Bộ này đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1, bao gồm 5 bậc thuế. Tuy nhiên, sau khi tính toán, phương án này sẽ giảm thu ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, và đề xuất phương án 2.
Với phương án 2, ngân sách tăng thu 500 tỷ đồng/tháng, tương ứng với 6.000 tỷ đồng/năm. Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2.
Phương án 2: Lao động lành nghề, thâm niên thiệt nhiều nhất?
Với phương án 2, đối tượng bị ảnh hưởng nhất được cho là những người có thu nhập từ 24 triệu đồng trở lên. Đây là những lao động có thâm niên, trình độ chuyên môn, và phần lớn đã có gia đình.
Anh Hoàng Hà là một ví dụ. Gần 15 năm đi làm, anh giữ chức vụ chuyên viên cấp cao với mức lương hiện tại, tính các khoản thưởng thêm rơi vào 45 triệu đồng/tháng. Vợ anh, 38 tuổi, cũng có mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tính chung thu nhập một tháng gia đình anh là 75 triệu đồng.
Theo phương án 2, giảm trừ hết các khoản, số tiền thuế hàng tháng mà vợ chồng anh phải đóng khoảng 6 triệu đồng, chiếm 8% tổng thu nhập và cao hơn khoảng 600.000 đồng so với mức hiện tại.
“600.000 đồng cũng đủ tiền nước hàng tháng ở nhà đấy!” anh cười chia sẻ.
Phân tích cụ thể mức tăng của phương án 2 so với hiện tại theo tỷ lệ phần trăm dễ thấy quãng lương bị ảnh hưởng nặng là từ 24 triệu đồng đến 41 triệu đồng. Đây là khoảng lương phổ biến của lao động lành nghề có thâm niên hơn 10 năm.
Quãng lương bị đánh thuế TNCN 20% mức 10-40 triệu là rất rộng. Với tốc độ tăng lương bình quân thì người lao động bắt đầu bị đánh thuế trong mức này, ít nhất 20 năm nữa mới chuyển sang mức tiếp theo.
Điểm đáng chú ý là quãng lương này có điểm xuất phát rất thấp, chỉ 10 triệu. Với những lao động hiện tại chưa bị ảnh hưởng bởi bậc thuế này, thì chỉ trong vài năm lương sẽ bắt đầu bị áp thuế 20%.
Một điểm bất cập nữa của phương án này là lao động có mức lương hàng tháng cao từ 68 triệu đồng trở lên lại được hưởng tỷ lệ tăng giảm dần. Điều này là không công bằng với lao động có thu nhập thấp hơn, nhưng lại phải chịu tỷ lệ tăng nhiều hơn.
Xét về tương quan giữa thu thuế TNCN và chi cho hành chính công thì hiện nay thu vượt chi.
Năm 2016, tổng thu từ thuế TNCN, theo dự toán của Bộ Tài chính đạt hơn 64.000 tỷ đồng, trong khi chi cho quản lý ở mức 44.000 tỷ đồng. Nếu tính cả mức 6.000 tỷ đồng hụt thu do sử dụng phương án 1, thì vẫn còn dư để chi tiêu cho các công việc hành chính.
Trong những năm qua, thuế TNCN nộp về ngân sách liên tục tăng, nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách lại không cao. Nguồn thu ngân sách chủ yếu đến từ thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Boston Consulting Group (BCG), tập đoàn tư vấn Mỹ, công bố cuối năm 2016, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng tăng nhanh, ước tính đến 2020 sẽ đạt 44 triệu người, chiếm gần một nửa dân số. Với thu nhập hộ gia đình khoảng 30-75 triệu đồng/tháng, đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi phương án 2 nhiều nhất.
Mức giảm trừ cá nhân và gia cảnh bất hợp lý?
Nộp thuế là quyền và nghĩa vụ của công dân, nhưng phương án đề xuất mới của Bộ Tài chính đang khiến người nộp thuế không yên lòng.
Ngoài kiến nghị nghiên về phương án tăng ngân sách, một điểm khác khiến dư luận quan tâm là mức giảm trừ vẫn được Bộ Tài chính giữ nguyên sau 5 năm kể từ khi có sự điều chỉnh: 9 triệu đồng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho một người phụ thuộc.
Cơ quan làm luật cho rằng mức này vẫn là “hoàn toàn hợp lý” và “chưa cần bất cứ sự điều tiết nào từ phía Nhà nước”. Thế nhưng nếu nhìn từ góc độ thị trường và giá cả thì con số có vẻ đã lạc hậu.
Mức khấu trừ trên được tính toán dựa vào các chỉ số giá và thu nhập bình quân từ những năm 2011-2012.
Nửa thập kỷ trôi qua, lạm phát tăng đều qua các năm, tốc độ trượt giá của đồng tiền rơi vào mức 1-3% thì mức giảm trừ này liệu còn phù hợp với điều kiện hiện tại?
Dựa trên chỉ số lạm phát, nếu lấy mức giảm trừ năm 2013 làm chuẩn, với điều kiện hiện tại của thị trường thì năm 2017, mức giảm trừ gia cảnh nên ít nhất là 10,68 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,27 triệu đồng/tháng cho một người phụ thuộc.
“Mức hỗ trợ 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc bây giờ cũng chỉ đủ tiền ăn cơ bản của con thôi, chưa kể các loại thực phẩm bổ sung nữa,” anh Hà thở dài. Theo anh Hà, chi phí ăn, học, vui chơi cho 2 đứa con của anh rơi vào khoảng 25-30 triệu đồng/tháng.
“Học phí trường công của con tôi chỉ 100.000 đồng/tháng nhưng còn đủ thứ phí khác, tính ra vài triệu tiền học mỗi tháng. Còn tiền học thêm tiếng Anh và piano nữa”, người đàn ông này nói thêm.
Mục đích của giảm trừ gia cảnh là giảm bớt gánh nặng sinh hoạt và chi phí cho người nộp thuế, để họ yên tâm sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Như vậy, căn cứ tính các mức giảm trừ nên dựa theo chí phí sinh hoạt cơ bản dưới tác động của thị trường hay theo lương cơ bản?
Theo Minh Hà - Hà Phương (Tri Thức Trực Tuyến)