Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Thu ngân sách phải nghĩ đến dân

12/01/2018 13:46:20

Chuyên gia đặt vấn đề Bộ Tài chính đề xuất tăng nhiều sắc thuế do lo sức ép nguồn thu ngân sách không đủ, bội chi cao. Với thuế TNCN, Bộ cần phải tính toán kỹ.

2 phương án điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân với tiền lương, tiền công Bộ Tài chính mới đề xuất nhận được những phản ứng trái chiều.

'Với một sắc thuế, quan trọng nhất là tính ổn định, dễ nhớ, công bằng'

Chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết ông ở trong hội đồng thẩm định ở Bộ Tư pháp nên nắm khá rõ về các thông tin liên quan đến thuế thu nhập cá nhân và góp ý kiến.

Không bàn chi tiết về các phương án của Bộ Tài chính, ông nói cần đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp lý trước khi điều chỉnh.

"Ví dụ như quy định về bậc đầu tiên, bậc cao nhất đã hợp lý chưa, mức thuế suất cho từng bậc, các bậc cách nhau như vậy đã phù hợp; việc tính số tuyệt đối như vậy có phải là cách tốt?...", chuyên gia này đặt vấn đề. 

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Thu ngân sách phải nghĩ đến dân

Ông kể khi ngồi trong hội đồng thẩm định, có một vụ phó đến hỏi ông là đánh thuế trúng thưởng cao như thế thì ai còn chơi nữa.

"Rõ ràng anh ấy chưa hiểu vấn đề. Thuế thu nhập sẽ được tính từng phần theo thu nhập. Ví dụ như chia theo bậc 10 triệu, thu nhập tính thuế của anh 50-70 triệu thì 10 triệu đồng sẽ là bậc 1, tiếp theo sẽ là bậc 2, cứ vậy đến hết và đến bậc cao nhất trong phần thu nhập đó. Tương tự thì với thuế thu nhập cá nhân không phải anh có thu nhập 70-80 triệu là áp cho anh 35%”, chuyên gia này phân tích.

Nghiên cứu lâu trong lĩnh vực thuế, ông Long bày tỏ Bộ Tài chính nói 7 bậc khó nhớ là chưa chính xác vì thực tế cho thấy chấm điểm thang 10 vẫn chính xác hơn thang 5 điểm.

“Tôi quan tâm đến bậc khởi điểm, đánh 5 hay 10 triệu đồng là vấn đề cần phải bàn. Ngoài ra, cách đánh thuế tuyệt đối như vậy hợp lý chưa, hay là áp dụng tương đối. Với bậc thang lũy tiến thì 5 bậc đã khuyến khích được người làm ăn tốt chưa…”, ông Long nói.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Thu ngân sách phải nghĩ đến dân - 1

Chuyên gia này cho rằng việc đánh thuế tuyệt đối sẽ có thể thường xuyên phải điều chỉnh.

Điều quan trọng nhất với một sắc thuế, theo chuyên gia này, là tính ổn định, dễ nhớ, công bằng, hiệu quả. "Giờ đưa ra 2 quả bóng, bảo chọn một quả, thì có thể chọn cả hai đều không hợp lý”, ông đặt vấn đề.

'Thu ngân sách phải nghĩ đến dân'

Đồng tình với  ông Ngô Trí Long về sự quan trọng của việc ổn định chính sách thuế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng không riêng gì thuế thu nhập cá nhân, các sắc thuế khác nếu cứ thay đổi liên tục thì rất khó cho các chủ thể của xã hội.

“Thuế ổn định cũng thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thu ngân sách, người dân đỡ còng lưng đóng thuế tăng thêm để bù đắp ngân sách. Tôi nghĩ quan trọng nhất là thu ngân sách phải nghĩ đến dân, nền kinh tế nói chung chứ không chỉ thuận lợi cho cơ quan Nhà nước”, bà chia sẻ.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Thu ngân sách phải nghĩ đến dân - 2

Theo bà Phạm Chi Lan, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đề xuất tăng một số sắc thuế cũng có thể được nhìn nhận ở giác độ lo sức ép nguồn thu ngân sách không đủ, bội chi cao nên tăng thuế. Tuy nhiên, Bộ lại không tính là trong khi bao năm nay nguồn thu hàng năm vẫn tăng thế mà bội chi ngân sách tăng là do chi tiêu ngân sách quá lớn.

“Đó mới là phần cần kiểm soát cho tốt chứ không phải tăng thuế. Nếu chỉ phân phối mà không có đề xuất về việc tiết kiệm chi tiêu, sử dụng minh bạch tiền thu ngân sách từ thuế của người dân thì không giải quyết được. Bộ Tài chính nên minh bạch, có phương án về tiết kiệm chi hơn là chú trọng tận thu của dân hay doanh nghiệp”, bà Chi Lan thẳng thắn chia sẻ.

Bà Lan nói thêm bà cũng mới nghe về đề xuất 2 phương án thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính nên sẽ không đưa ra bình luận chi tiết. Tuy nhiên, với đề xuất tăng VAT cách đây vài tháng, bà giữ nguyên quan điểm là tăng thuế này chỉ khổ người nghèo, thu nhập thấp và khu vực sản xuất nhỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn.

“Có nghiên cứu là tăng VAT thì người giàu sẽ nộp nhiều hơn do họ tiêu dùng nhiều hơn nhưng thực tế tỷ lệ nộp thuế so với thu nhập của họ là thấp. Vì thế nếu tăng thuế VAT thì tỷ lệ thuế so với thu nhập của người nghèo sẽ tăng dù người nghèo chi tiêu ít hơn người giàu”, bà chia sẻ thêm.

Thuế phải ổn định trong 5-10 năm, theo kịp kinh tế

Tại phiên tổng kết của Bộ Tài chính mới diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những thực trạng chính sách tài chính. Ông cho biết chính sách thuế thay đổi nhanh dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, những thay đổi nhanh như vậy chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tến đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Thủ tướng nhấn mạnh cần khắc phục vấn đề này.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Thu ngân sách phải nghĩ đến dân - 3

Chính sách thuế nói riêng và tài chính nói chung cần theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước và phải có sự ổn định tương đối dài, từ 5 đến 10 năm

Thủ tướng đánh giá chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước, quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Theo ông, đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp.

Theo Anh Đan - Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)