Giá đất tại 3 huyện ngoại ô Sài Gòn đang được quy hoạch thành quận đã tăng 12-20% suốt năm 2016, và có dấu hiệu tiếp tục đi lên những ngày gần đây.
Tuyến phố có giá cao nhất vùng ven Bình Chánh là đường số 9, xã Bình Hưng, với 75 triệu đồng mỗi m2. Đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển 36 triệu đồng mỗi m2, nằm trong top những tuyến đường có giá cao vùng ven huyện Nhà Bè. Những khu vực còn lại, vị trí đầu tiên thuộc về phố Lý Nam Đế, thị trấn Hóc Môn với giá 33,7 triệu đồng mỗi m2.
|
Những cung đường có giá đất cao thuộc huyện Bình Chánh dẫn đầu các tuyến phố có giá cao ở 3 huyện. |
Ngoài ra thị trường bất động sản liền thổ khu vực Huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Hóc Môn nhìn chung ghi nhận một năm khá sôi động, nhưng ít đột biến so với điểm nóng khu Đông. So với giai đoạn 2015, giá đất tại 3 khu vực vùng ven này tăng bình quân 12% (Hóc Môn), 15% (Bình Chánh) và 20% (Nhà Bè).
Trong 3 huyện, giá đất Bình Chánh vượt trội hơn, đắt gấp đôi so với Hóc Môn. Đây cũng chính là cửa ngõ kết nối TP HCM với lục tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, biên độ tăng giá của huyện Nhà Bè lại nhỉnh hơn Bình Chánh khoảng 5%.
Huyện Bình Chánh đang được đánh giá là khu vực rất tiềm năng vì hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quan trọng đã hình thành, chẳng hạn như: Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà, Long An; Đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến quận 7; Đường Võ văn Kiệt nối từ Quốc lộ 1A qua sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai. Ngoài ra quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.
|
Giá đất bình quân của huyện Nhà Bè còn ở ngưỡng chưa cao nên năm 2016 địa bàn này có biên độ tăng giá ấn tượng hơnt so với huyện Bình Chánh và Hóc Môn. |
Đến cuối năm 2016, đã có khá nhiều nhà đầu tư đang triển khai dự án tại đây. Riêng các Khu dân cư như: Trung Sơn, Camellia Garden, An Hạ Riverside, Khu dân cư Tây Sài Gòn, Đại Phúc Town, Việt Phú Garden… đều có giá nhà đất ở ngưỡng cao không kém gì các quận do quy hoạch đẹp, kết nối giao thông thuận tiện.
Huyện Nhà Bè nằm ở cửa ngõ của Nam Sài Gòn, giáp ranh với các tỉnh Long An, Đồng Nai và có các tuyến đường chính như Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát nối Nhà Bè vào trung tâm thành phố, đặc biệt là thừa hưởng những tiện ích cơ sở hạ tầng cao cấp của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Việc thành phố có kế hoạch sẽ xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh cũng làm cho bất động sản nơi đây nóng lên. Dọc quanh đường Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện khá nhiều dự án: Dragon Hill, Nine South Estate, Park Vista, Sài Gòn South Residence… Các dự án khu dân cư gồm có: The Star Village, Dragon Parc, Phu Xuan Residence, khu dân cư Phước Kiển - Nhà Bè…
|
Giá đất huyện Hóc Môn ghi nhận thấp nhất so với 3 huyện đang xem xét quy hoạch lên quận đồng thời biên độ tăng giá đất ở địa bàn này cũng khiêm tốn nhất (chỉ tăng 12%). |
Huyện Hóc Môn nằm ở khu Tây Bắc của thành phố, giáp ranh với Tây Ninh, Long An và Bình Dương. Hóc Môn đang được quy hoạch khá bài bản về đường xá, hạ tầng cùng ăn theo tuyến Metro số 2 nối Bến Thành – Tham Lương và khu vực bến xe An Sương cũng đang được nâng cấp và mở rộng tạo nên những làn sóng đầu tư bất động sản nơi đây. Một số dự án: Cheery 3 Apartment, Hóc Môn Plaza … và dự án khu dân cư tiêu biểu: Eco Town, Sophia Garden...
Đơn vị thống kê đánh giá, với nhu cầu được sống trong môi trường xanh, kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh và giá cả tương đối mềm luôn là sự quan tâm lớn nhất của người dân. Tình trạng trung tâm thành phố đã quá tải nên việc người dân chuyển hướng ra vùng ven là một giải pháp hoàn toàn hợp lý. Và cả 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn đang là điểm nhắm tới của người dân có nhu cầu an cư cũng như giới đầu tư cá nhân và các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản hiện nay.
Khảo sát của VnExpress, sau khi thông tin 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn được quy hoạch lên quận lan truyền từ ngày 9/1/2017, giá đất tại các địa bàn này đã rục rịch chuyển động. Tuy nhiên, đa phần những động thái mua - bán đều do các "ông lớn" hoặc giới đầu tư chuyên nghiệp cầm trịch, chủ yếu săn quỹ đất lớn quy mô vài hecta trở lên.
Những dự án được quy hoạch (có 1/500) ngay khi đón thông tin đang quy hoạch lên quận được ngã giá sang nhượng lại với giá chênh 5-7 triệu đồng một m2 so với mốc quý III/2016. Tại huyện Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc A - Vĩnh Lộc B được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất, giá đất nông nghiệp ở hai xã này hồi cuối tháng 12/2016 trung bình 3 triệu đồng mỗi m2, chỉ trong hơn 10 ngày qua đã vọt lên 3,5- 4 triệu đồng mỗi m2.
Các dự án đã quy hoạch khu dân cư xây dựng đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của cả cò nhà đất lẫn giới đầu tư thăm dò, khảo giá. Khu Bình Chánh giáp với quận Bình Tân, gần bệnh viện Nhi Đồng 3 giá tăng 5-7% sau khi có thông tin sắp lên quận dù trong năm 2016 đã biến động ở biên độ 10-15%.
Tại Hóc Môn, khu vực 2 bên các tuyến đường Phan Văn Hớn giá đất thổ cư tăng 5-7% trong một tuần. Giá đất tại các tuyến đường Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thị Tú, thuộc huyện Bình Chánh tăng nhẹ 5% trong mười ngày qua.
Riêng Nhà Bè, các chủ đầu tư dự án dọc theo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Lê Văn Lương nối dài đến đoạn giáp ranh Long An tiết lộ, đợt mở bán mới trong năm 2017 có thể điều chỉnh giá nhích lên 5-6%, mức tăng cao nhất dự kiến 10% so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp nhà đầu tư giữ đất chưa tách thửa tại 3 huyện này đón thông tin quy hoạch lên quận chậm một nhịp. Đơn cử trường hợp của bà Hương đã ôm lô đất 100 m2 tại xã Vĩnh Lộc B gần 4 năm nhưng chưa tách thửa. Tháng 12/2016 nhà đầu tư này đã đẩy hàng đi bằng với giá mua vào 2,7-3 triệu đồng mỗi m2, bằng giá gốc năm 2013, đồng nghĩa với việc mất trắng chi phí cơ hội.
Theo Vũ Lê (VnExpress.net)