Diễn biến hiện tại cho thấy nhu cầu cấp thiết phải có thêm các biện pháp kích thích kinh tế, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang chật vật đối phó với những tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Căng thẳng thương mại tác động đến Trung Quốc như thế nào?
Thị trường bất động sản lao dốc kéo dài, nợ hộ gia đình ở mức cao và tình trạng bất ổn việc làm đã khiến đầu tư và chi tiêu tiêu dùng bị kìm hãm, từ đó tạo áp lực giảm phát kéo dài. Giờ đây, kinh tế Trung Quốc còn phải đối mặt với các rủi ro bên ngoài ngày càng lớn do rào cản thương mại gia tăng.
Tuy nhiên, vẫn có hy vọng vào khả năng hạ nhiệt căng thẳng khi các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra tại Thụy Sĩ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 10/5, chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 4 đã giảm 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu hơn mức giảm 2,5% của tháng 3, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mức dự báo 2,8% mà các nhà kinh tế đưa ra.
Ông Trương Trí Vĩ – Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định: “Trung Quốc vẫn đang đối mặt với áp lực giảm phát kéo dài. Áp lực này có thể còn gia tăng trong những tháng tới do xuất khẩu nhiều khả năng sẽ suy yếu.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng, ngay cả khi Trung Quốc và Mỹ đạt được tiến triển trong đàm phán và cắt giảm thuế, thì mức thuế hiện hành cũng khó có thể quay trở lại mức trước tháng 4.
“Một chính sách tài khóa chủ động hơn là điều cần thiết để kích thích nhu cầu trong nước và giải quyết vấn đề giảm phát,” ông nói thêm.
Về phía giá tiêu dùng, chỉ số CPI trong tháng 4 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái – bằng mức giảm của tháng 3 và đúng với dự báo của cuộc khảo sát do Reuters thực hiện. So với tháng trước, CPI tăng nhẹ 0,1%, đảo chiều so với mức giảm 0,4% trong tháng 3.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, duy trì ở mức 0,5% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng của tháng 3.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang triển khai hàng loạt biện pháp để kích cầu trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hạ lãi suất và bơm thanh khoản quy mô lớn vào nền kinh tế.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm suy yếu hoạt động xuất khẩu, các tập đoàn bán lẻ lớn như JD.com và Freshippo (thuộc sở hữu của Alibaba) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuyển hướng sang thị trường nội địa. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến giá tiếp tục giảm do niềm tin kinh doanh và tiêu dùng vẫn ở mức thấp vì triển vọng kinh tế bất ổn.
Một số ngân hàng đầu tư quốc tế, bao gồm Goldman Sachs, đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay xuống dưới mức mục tiêu chính thức khoảng 5%, với lý do căng thẳng thương mại tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế nước này.
Diễn biến mới nhất cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Trong khuôn khổ đàm phán tại Geneva, các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ngày làm việc đầu tiên, với mục tiêu giảm căng thẳng cuộc chiến thương mại đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tiếp tục vào Chủ nhật, theo Reuters. Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 8 giờ đồng hồ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. đây là lần đầu tiên hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có cuộc đối thoại trực tiếp kể từ khi đôi bên áp thuế trả đũa vượt mức 100% lên hàng hóa của nhau.
Không bên nào công bố nội dung cụ thể của cuộc gặp. Đáng chú ý, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social rằng đây là một cuộc đàm phán "thiết lập lại toàn diện... trong không khí thân thiện nhưng mang tính xây dựng".
Căng thẳng thương mại bắt đầu leo thang từ tháng 2 sau đợt tăng thuế của ông Trump, khiến gần 600 tỷ USD thương mại song phương rơi vào bế tắc. Cùng với các mức thuế mới áp lên hàng chục quốc gia khác, động thái này đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây biến động thị trường tài chính và gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu sâu rộng.
Chính quyền Washington đang tìm cách giảm thâm hụt thương mại hàng hóa 295 tỷ USD với Bắc Kinh và thuyết phục Trung Quốc từ bỏ mô hình kinh tế mang tính bảo hộ mà Mỹ cho là không công bằng, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn trong tiêu dùng toàn cầu — điều đòi hỏi cải cách trong nước đầy nhạy cảm về chính trị.
Ngược lại, Trung Quốc yêu cầu Mỹ phải giảm thuế, làm rõ những gì họ muốn Bắc Kinh mua thêm, và đối xử với Trung Quốc như một đối tác bình đẳng trên trường quốc tế.
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc cho rằng “việc lạm dụng thuế quan một cách thiếu thận trọng của Mỹ” đã làm rối loạn trật tự kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bài bình luận cũng nhấn mạnh rằng cuộc đàm phán lần này là “bước đi tích cực và cần thiết để giải quyết bất đồng và ngăn chặn leo thang căng thẳng”.
“Dù con đường phía trước là đàm phán hay đối đầu, điều rõ ràng là Trung Quốc sẽ kiên định trong việc bảo vệ lợi ích phát triển và duy trì trật tự thương mại toàn cầu,” Tân Hoa Xã viết.
Mặc dù kỳ vọng vào một đột phá lớn là rất thấp do sự thiếu tin tưởng giữa hai bên, nhưng việc cuộc gặp diễn ra đã được giới quan sát đánh giá là tín hiệu tích cực.
Ông Trump hôm thứ Sáu cũng nói rằng mức thuế 80% đánh vào hàng Trung Quốc “có vẻ hợp lý” – lần đầu tiên đưa ra mức thay thế cụ thể so với mức thuế 145% hiện hành. Ông cho rằng Trung Quốc là bên đề xuất đàm phán, trong khi Bắc Kinh khẳng định chính Mỹ là phía đưa ra lời mời và lập trường phản đối thuế quan của Trung Quốc không thay đổi.
Trung Quốc có thể đang tìm kiếm một cơ chế miễn thuế tạm thời 90 ngày giống như Washington đã dành cho một số quốc gia khác. Dù chưa có cam kết rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn xem việc nối lại đàm phán và khả năng giảm thuế là tín hiệu tích cực.
Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin, người đã gặp cả hai phái đoàn tại Geneva, cho biết việc tổ chức được cuộc gặp đã là một thành công. “Nếu hai bên vạch ra được lộ trình và tiếp tục đối thoại, điều đó sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng,” ông phát biểu và cho biết cuộc đàm phán có thể kéo dài đến Chủ nhật hoặc thậm chí là thứ Hai.
Thụy Sĩ đóng vai trò trung gian giúp sắp xếp cuộc gặp, sau những chuyến công du gần đây của các chính trị gia nước này đến Trung Quốc và Mỹ.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump đã tăng thuế lên 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, với lý do Bắc Kinh không kiểm soát việc xuất khẩu hóa chất tiền chất fentanyl – một chất gây nghiện tổng hợp cực kỳ nguy hiểm.
Đáp lại, Trung Quốc áp thuế trả đũa 125% và tuyên bố sẽ không khuất phục trước “chủ nghĩa bá quyền và sự bắt nạt” từ bên ngoài.
Theo Bảo Bảo (SHTT)