Cụ thể, trong văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng yêu cầu: "Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội, các cơ quan liên quan đề xuất phương án sử dụng diện tích đất tại khu vực dự kiến xây dựng Tháp truyền hình Việt Nam".
Chỉ đạo trên của lãnh đạo Chính phủ liên quan đến chủ trương xây dựng Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến cao 636m, cao nhất thế giới được Chính phủ chấp thuận nghiên cứu, hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư khác từ năm 2015. Vốn Nhà nước sẽ thông qua Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hai đối tác còn lại là Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Tập đoàn BRG.
Tuy nhiên, trong tháng 7/2017, cả VTV và SCIC đều có công văn đề nghị rút vốn hoàn toàn tại Công ty Tháp truyền hình Việt Nam.
Lý do VTV đưa ra là hiện cần tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Còn với SCIC, theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành, trong giai đoạn 2017-2020, SCIC được phép chủ động bán vốn tại CTCP Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam để cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư.
Theo báo cáo của VTV, hiện dự án Tháp truyền hình chưa được Thủ tướng phê duyệt, chưa triển khai thực hiện. Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư dự án báo cáo lại Thủ tướng về sự cần thiết phải triển khai dự án, mục tiêu và năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư. Trường hợp VTV và SCIC không tham gia dự án đồng nghĩa với việc Nhà nước không đầu tư vốn vào dự án.
Được biết, Công ty Tháp truyền hình Việt Nam có vốn điều lệ khoảng 600 tỷ đồng, dự án được xây dựng dự kiến cao nhất thế giới, nhưng hiện 3 bên mới góp số vốn hơn 150 tỷ đồng.
Việc của VTV và SCIC đều tuyên bố rút chân khỏi dự án, nhiều khả năng dự án xây dựng Tháp truyền hình có thể tạm dừng hoặc thay đổi phương án sử dụng đất đã được tính đến.
Cũng tại thông báo của Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Hà Nội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch 2 khu vực để di dời trụ sở của một số bộ, ngành và cơ quan trung ương.
Đối với khu đất thuộc trụ sở bộ ngành cũ, các bên liên quan phải có phương án huy động tài chính từ quỹ đất sau khi di dời. Các phương án quy hoạch và di dời quy hoạch bộ ngành cũ phải báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 30/10/2017.
Theo An Linh (Dân Trí)